Chứng khoán

Hòa Phát cần làm thép ray có độ bền 100 năm để đủ điều kiện tham gia toàn bộ dự án đường sắt tại Việt Nam

Hải Băng 16/07/2025 21:21

Bộ Tài chính vừa quy định thời gian sử dụng và khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có thanh ray thép đô thị cần tuổi thọ lên đến 100 năm.

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2025/TT-BTC quy định về tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Đáng chú ý, Thông tư quy định thời gian sử dụng hạ tầng đường sắt quốc gia từ 25 đến 80 năm, với tỷ lệ khấu hao từ 1,25% - 4% mỗi năm; hệ thống đường ray của đường sắt đô thị có thời gian sử dụng lên đến 100 năm, khấu hao 1% mỗi năm.

Hòa Phát cần làm thép ray có độ bền 100 năm để đủ điều kiện tham gia toàn bộ dự án đường sắt tại Việt Nam
Tổng hợp từ Thông tư số 75/2025/TT-BTC

Hiện tại, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đang đăng ký sản xuất thanh ray cho hạ tầng đường sắt tại Việt Nam. Hồi tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt là thép ray phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc và các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới.

Đến tháng 5/2025, Hòa Phát và Tập đoàn SMS group (Đức) đã ký hợp đồng cung cấp công nghệ và dây chuyền sản xuất thép ray, thép hình với công suất 700.000 tấn mỗi năm. Dây chuyền này là một cấu phần quan trọng trong dự án nhà máy sản xuất thép ray và thép hình của Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi), với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng. Dự kiến, dây chuyền sẽ hoàn thành trong vòng 20 tháng, cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý I/2027.

Ray thép cho đường sắt tốc độ cao đòi hỏi chất lượng rất cao. Thép phải được luyện từ quặng sắt ít tạp chất, đạt chiều dài lên đến 100m, có độ thẳng và độ phẳng cao, cùng độ cứng vượt trội.

Tỷ phú Trần Đình Long tự tin sản phẩm thép ray đường sắt cao tốc của Hòa Phát sẽ có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và đủ sức cạnh tranh với các nhà cung cấp nước ngoài. Ngoài đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sản phẩm còn hướng đến phục vụ các dự án đường sắt đô thị và các tuyến kết nối liên vùng.

Gần đây, Hòa Phát cùng Tập đoàn Đại Dũng, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (HoSE: CC1) kết thành liên danh DCH xin thực hiện dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại TP. HCM, có tổng mức đầu tư khoảng 47.890 tỷ đồng, chiều dài hơn 11km.

>> Dự án thép ray 10.000 tỷ tại Quảng Ngãi của Hòa Phát (HPG) có diễn biến mới

Hòa Phát (HPG) lùi lịch khởi công dự án thép ray 10.000 tỷ đồng tại Quảng Ngãi: Vướng mắc ở đâu?

Hòa Phát (HPG) làm thép ray cho đường sắt tốc độ cao: Không chấp nhận lỗ, cũng không chỉ làm vì thương hiệu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-can-lam-thep-ray-co-do-ben-100-nam-de-du-dieu-kien-tham-gia-toan-bo-du-an-duong-sat-tai-viet-nam-296600.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát cần làm thép ray có độ bền 100 năm để đủ điều kiện tham gia toàn bộ dự án đường sắt tại Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH