Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Dòng vốn bất hợp pháp (DVBHP) là trở lực rất lớn cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, công nghệ và con người...
Dòng vốn bất hợp pháp và phương thức giao dịch
DVBHP là “sự dịch chuyển xuyên biên giới của dòng tiền có nguồn gốc, phương thức giao dịch, hoặc cách thức sử dụng bất hợp pháp”.
Các dòng tài chính bất hợp pháp có thể được tạo ra theo nhiều cách khác nhau, không được tiết lộ trong các tài khoản quốc gia hoặc số liệu cán cân thanh toán, bao gồm cả việc định giá sai chuyển khoản, chuyển tiền mặt số lượng lớn, các giao dịch hawala và buôn lậu.
Giám sát DVBHP qua giao dịch thủ công vốn đã rất khó, nên việc giám sát qua công nghệ sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Tại Việt Nam, có thể tìm thấy các mẫu hình của phương thức giao dịch DVBHP trong cuộc sống thường nhật. Chúng ta không còn xa lạ với việc các tiệm vàng, trung tâm môi giới du học, hoặc các công ty du lịch lữ hành, “hỗ trợ” chuyển tiền của người Việt ở nước ngoài về nước hoặc ngược lại mà không thông qua các kênh giao dịch ngoại hối chính thức của NHNN.
DVBHP ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội như thế nào?
Ngân hàng Thế giới (WB) đã nghiên cứu và cho thấy, DVBHP và các hoạt động ngầm phía sau dòng vốn này là trở lực rất lớn cho sự phát triển về kinh tế, xã hội, công nghệ và con người tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt là ở những quốc gia mới nổi, dòng vốn này làm suy yếu tính minh bạch và quản trị của các định chế tài chính, xóa mờ biên giới trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp, hạn chế tiến trình thực thi luật pháp và quy định, làm giảm tính minh bạch của hệ thống kinh tế và xã hội.
Các nghiên cứu đều cho thấy tác động của DVBHP rất lớn và ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ:
Một báo cáo của Global Financial Integrity đã chỉ ra rằng DVBHP dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển của nền kinh tế, tạo ra nhiều vụ việc liên quan đến gian lận và hối lộ, tham nhũng trong xã hội.
Trong báo cáo này, DVBHP chiếm tỷ trọng từ 14-24% trong các giao dịch thương mại của các quốc gia mới nổi trong giai đoạn 2005-2014.
Báo cáo còn ghi nhận, có tới 58% các định chế tài chính và các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động dịch chuyển nguồn vốn tại các quốc gia mới nổi có ghi nhận các giao dịch đáng nghi về tính pháp lý, nhưng cơ chế quản lý gặp khó khăn trong cách thức phòng chống.
Để phòng chống DVBHP cần sự chung tay không chỉ các định chế tài chính trong thị trường tài chính, mà cả các doanh nghiệp và định chế khác trong nền kinh tế, đưa ra những biện pháp cụ thể và triệt để.