Đường Quảng Ngãi (QNS) hưởng lợi lớn khi ngành mía đường Brazil lao đao vì cháy rừng
Cháy rừng hoành hành tại Brazil đang đẩy giá đường thế giới tăng cao, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.
Giá đường thế giới đang tăng mạnh trở lại do tình trạng cháy rừng dữ dội tại Brazil – quốc gia chiếm gần một nửa lượng đường xuất khẩu toàn cầu. Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Brazil (ORPLANA) cho biết đã có khoảng 2.000 vụ cháy xảy ra trong tuần cuối tháng 8/2024. Dù mưa sau đó đã giúp giảm nguy cơ bùng phát thêm các đám cháy, nhưng vẫn có tới 60.000ha diện tích trồng mía bị thiêu rụi.
ORPLANA cũng cảnh báo rằng, tình trạng cháy rừng hiện tại có thể kéo dài đến hết năm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất cây trồng khi mía bước vào giai đoạn nảy mầm.
Theo ước tính sơ bộ từ Green Pool Commodity Specialists và công ty tài chính FG/A, sản lượng mía năm nay tại bang Sao Paulo (khu vực chiếm 55% diện tích trồng mía của Brazil) có thể giảm 1,4%, tương đương 5 triệu tấn.
Raizen SA, doanh nghiệp xuất khẩu đường lớn nhất Brazil, cũng cho biết khoảng 1,8 triệu tấn mía của hãng này và các nhà cung cấp đã bị thiệt hại, chiếm 2% tổng sản lượng dự kiến cho niên vụ 2024/2025. Một số cơ sở sản xuất của Raizen SA cũng buộc phải tạm ngưng hoạt động do cháy rừng lan đến các vùng trồng mía.
Diễn biến giá đường trắng trên thị trường quốc tế 6 tháng trở lại đây |
>> CEO của Đường Quảng Ngãi (QNS) muốn ‘gom’ thêm cổ phiếu trước ngày chia cổ tức
Trong bối cảnh này, CTCP Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nhờ sở hữu diện tích trồng mía lớn hàng đầu Việt Nam.
Hiện đường Quảng Ngãi đang quản lý hai vùng nguyên liệu mía lớn, gồm khu vực tại Gia Lai với diện tích 26.000ha phục vụ nhà máy An Khê, và khu vực tại Quảng Ngãi với diện tích 2.500ha phục vụ nhà máy Phổ Phong.
Hai vùng nguyên liệu này cung cấp sản lượng khoảng 2 triệu tấn mía mỗi năm, đáp ứng công suất ép mía lên tới 20.000 tấn/ngày, chiếm 14% tổng công suất toàn quốc. Điều này giúp đường Quảng Ngãi trở thành doanh nghiệp mía đường lớn thứ hai tại Việt Nam về công suất sản xuất, chỉ sau TTC AgriS (SBT).
Công ty cũng đang mở rộng vùng trồng tại Gia Lai với tốc độ tăng thêm 3.000ha mỗi năm, đặt mục tiêu đạt 40.000ha vào niên vụ 2027/2028.
Đồng thời, đường Quảng Ngãi dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng để nâng công suất hệ thống chế biến đường từ mía tại nhà máy An Khê lên 25.000 tấn/năm và tăng công suất nhà máy điện sinh khối An Khê lên mức 135MW.
Đáng chú ý, mặc dù giá đường thế giới nửa đầu năm 2024 có xu hướng giảm, nhưng giá đường trong nước không chịu tác động quá nhiều. Nhiều công ty chứng khoán nhận định, giá đường trong nước sẽ chỉ giảm nhẹ hoặc đi ngang trong năm nay. Một số nhà máy đường đang tạm ngưng sản xuất, làm giảm nhẹ nguồn cung ra thị trường nội địa. Bên cạnh đó, tỷ giá cao khiến giá đường nhập khẩu tăng, giảm bớt sức cạnh tranh với đường sản xuất trong nước.
Đại diện đường Quảng Ngãi dự báo giá đường trong nước sẽ duy trì ở mức 20.000-21.000 đồng/kg trong niên vụ 2023/2024. Sự tăng giá đường toàn cầu có thể thúc đẩy giá đường trong nước tăng trở lại, tạo cơ hội cho đường Quảng Ngãi tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nội địa.
Ngoài ra, giá đường quốc tế tăng cao có thể mở ra cơ hội xuất khẩu lớn hơn cho các nhà sản xuất không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Đường Quảng Ngãi có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng thị phần quốc tế.
Cổ đông của đường Quảng Ngãi (QNS) sắp nhận tin vui
Lãnh đạo Đường Quảng Ngãi đăng ký mua cổ phiếu QNS 7 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm