EVN bất ngờ thoát lỗ năm 2024: Đâu là động lực cho cú 'lội ngược dòng' ngoạn mục?
Trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN ghi nhận khoản lỗ tài chính hơn 13.000 tỷ đồng.
Sáng 6/1/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết Đảng bộ và công tác năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ cho năm 2025.
Tại hội nghị, lãnh đạo EVN đã công bố kết quả sản xuất kinh doanh với nhiều con số ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2023. Giá trị nộp ngân sách đạt 25.000 tỷ đồng, bằng 101% so với năm trước.
Tổng doanh thu hợp nhất EVN năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, giá trị nộp ngân sách đạt 25.000 tỷ đồng |
Thoát lỗ nhờ điều chỉnh giá điện
Một trong những dấu ấn quan trọng trong năm 2024 là việc EVN chính thức thoát lỗ sau thời gian dài gặp khó khăn tài chính. Theo lãnh đạo tập đoàn, đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 10/2024 đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện tình hình kinh doanh. Trước đó, vào tháng 7/2024, Tổng Giám đốc EVN - Nguyễn Anh Tuấn từng cập nhật về tình hình tài chính tập đoàn với khoản lỗ tài chính hơn 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên ông cũng kỳ vọng mức lỗ sẽ giảm mạnh vào cuối năm.
Vào năm 2023, EVN công bố khoản lỗ 34.245 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm về 21.822 tỷ đồng. Năm 2022, "ông lớn" ngành điện cũng báo lỗ gần 36.300 tỷ đồng. Do đó, việc EVN chuyển dần từ trạng thái thua lỗ lớn sang có lãi được coi là bước tiến đáng ghi nhận của tập đoàn.
EVN điều chỉnh tăng giá điện 4,8%
Vào ngày 11/10/2024, EVN thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện, tăng từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,1159 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,8%, chưa bao gồm thuế VAT). Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Đây là lần thứ ba giá điện được điều chỉnh tăng kể từ năm 2023. Trước đó, vào ngày 4/5/2023 và 9/11/2023, EVN đã hai lần tăng giá với mức tăng lần lượt 3% và 4,5%.
Việc điều chỉnh giá điện đã giúp đảm bảo cân đối tài chính và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Với giá điện của năm 2023, tập đoàn này đang bán dưới mức giá thành sản xuất kinh doanh là 135,33 đồng một kWh, tương đương với 6,92%, theo Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Quản lý giá lý giải đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là, đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không theo các chi phí đã tính đúng, đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện. Theo ông Thỏa, việc này dẫn tới nhiều bất cập, hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và các ngành sử dụng điện, cho cả nền kinh tế.
>>EVN ước đạt doanh thu 575.000 tỷ, 'xin' Thủ tướng đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận
EVN ước đạt doanh thu 575.000 tỷ, 'xin' Thủ tướng đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận
EVN ra thông báo 'khẩn' về vụ doanh nghiệp hưởng sai giá điện ưu đãi, khiến EVN 'gánh' thêm 1.400 tỷ