GDP quý 3/2022 của Việt Nam vừa công bố đạt mức tăng 13,67% so với cùng kỳ và 9 tháng đầu năm tăng đến 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lao dốc khiến không ít người lo ngại bối cảnh 2007-2008 lặp lại.
Việt Nam vừa công bố số liệu GDP quý 3 tăng 13,67% so với cùng kỳ. GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Đây là số liệu giới đầu tư đã trông đợi từ lâu bởi lẽ, quý 3 này, thị trường tài chính toàn cầu đón nhận rất nhiều biến số. Trong đó, biến số lớn nhất là lạm phát, giảm phát xen kẽ xảy ra trên toàn cầu. Giới đầu tư lo ngại giảm phát cũng xảy ra ở Việt Nam.
Thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng tích cực ngay sau khi mở cửa với việc tăng 15 điểm. Giới đầu tư hồ hởi vì thông tin GDP vượt xa dự báo, vượt xa mong muốn của họ.
Tuy nhiên, sau vài tiếng giao dịch trong phấn khích, thị trường bắt đầu "xìu" dần, lực mua yếu ớt khiến thị trường không duy trì được đà tăng dẫn đến tình trạng cuối phiên lực bán tăng mạnh rồi đảo chiều khiến thị trường giảm 17 điểm. Tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn khi thị trường chứng khoán bất ngờ "quay xe" với 34 mã sàn, 347 mã giảm điểm và đóng cửa ở mốc 1.126 điểm, giảm 25% so với đỉnh tháng 01/2022.
Thực ra, với những nhà đầu tư chưa có thời gian lâu trên thị trường tài chính thì diễn biến phiên hôm qua khiến họ bất ngờ. Nhưng, những người đã từng trải qua những năm huy hoàng đến giai đoạn giảm sâu của thị trường chứng khoán hồi đầu những năm 2000 sẽ không quá bất ngờ.
Quay lại lịch sử, năm 2007 nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng toàn diện trong hầu hết các lĩnh vực, GDP đạt 7,2% sau 4 năm liên tiếp luôn tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2003-2007. Kết quả Việt Nam luôn nằm trong số các nước có tốc độ phát triển cao nhất của khu vực.
Kéo theo đó là sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-index đạt kỷ lục 1.170 điểm vào ngày 12/3/2007, tăng hơn 55% so với phiên cuối cùng của năm 2006 và là mức kỷ lục của thời điểm đó.
Với cách khởi động đầy hào hứng và phấn khích, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng thị trường chứng khoán những năm sau đó sẽ thực sự "đẻ ra vàng" như mùa bội thu năm 2006 nhưng thực tế lại đi ngược lại với kỳ vọng này. Kết thúc năm 2008 chỉ số VN-Index và HASTC-Index cùng giảm gần 70% so với đầu năm, một mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử hơn 8 năm hoạt động, thuộc nhóm chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới.
Năm 2020 -2021 khi cả thế giới đang khó khăn trong việc chống chọi với dịch Covid-19 thì kinh tế Việt Nam luôn đạt tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng 2.9% và 2.6% và cũng là một trong những nước có GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới, cùng với đó là chỉ số VN-Index đạt đỉnh lịch sử mọi thời đại với mốc 1.538 điểm vào ngày 03/01/2022, tăng 61% so với tháng 01/01/2020.
Thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2021-2022 và năm 2007 giống nhau ở sự kỳ vọng. Trong giai đoạn 2007, thị trường tăng mạnh ngay khi có thông tin Việt Nam gia nhập WTO, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.
Giai đoạn 2021-2022, thị trường tăng mạnh nhờ kỳ vọng kinh tế phục hồi sau khi Chính phủ khống chế được dịch Covid-19 và các yếu tố vĩ mô hỗ trợ. Điều này thể hiện bằng chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2022 là 7,2 và 6,7% trong năm 2023, tương đương mức tăng trước khi có dịch Covid-19.
Điểm giống nhau tiếp theo đến từ dòng tiền. Năm 2007 và năm 2021 là giai đoạn thị trường chứng khoán tạo được sức hút đặc biệt với người dân, đi đâu người ta cũng nghe nói tới chứng khoán, từ bà bán nước tới chị bán rau cũng sôi nổi bàn luận và cứ mua là thắng, tiền từ F0 (nhà đầu tư mới) nhiều vô kể, cứ bán ra là sẽ có lượng hàng mua lại đẩy giá lên cao.
Có rất nhiều điểm giống nhau khiến những người ở lâu trên thị trường chứng khoán không khỏi lo ngại, liệu, những kỳ vọng có thật sự được thị trường chứng khoán đền đáp? Nhiều người vẫn tin, điểm khác biệt lớn nhất khiến lịch sử 2007-2008 khó lòng quay lại nằm ở chỗ: Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay đã sụt giảm khá sâu-sâu hơn rất nhiều so với phân tích của nhiều người và có thể, lịch sử "đi ngược" của thị trường chứng khoán năm xưa sẽ không lặp lại nữa.
Có một điểm chung giữa cả 2 thời kỳ 2008-2022 đó là, số lượng nhà đầu tư non trẻ chưa từng tìm hiểu thị trường chứng khoán tham gia đầu tư rất nhiều. Những nhà đầu tư mới, có rất ít người thật sự hiểu cuộc chơi trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, một trong những yếu tố cốt lõi là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh tốt, chất của thị trường sẽ tốt và những diễn biến khác sẽ xoay quanh cái chất này. Nhiều phân tích cho thấy, nền kinh tế bây giờ và trong tương lai vài năm tới đây thì cơ hội và cả thách thức sẽ không phân ra đồng đều cho mọi người. Trong khi đó, những năm gần đây, lượng nhà đầu tư F0 với nguồn tiền lớn đã đổ tiền vào thị trường ngắn hạn, tranh thủ giá cổ phiếu tăng không cùng đà tăng của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cổ phiếu tăng quá nhanh, quá mạnh, thoát khỏi yếu tố nội tại doanh nghiệp. Chu kỳ này đã và đang tạo ra nhịp điều chỉnh mọi thứ về lại đúng guồng quay. Những cổ phiếu quá đà đang được thị trường định giá lại, những doanh nghiệp cơ bản tốt lại đang được kích hoạt dòng tiền mua gom tích sản với kỳ vọng nền kinh tế tiếp đà tăng.
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Chứng khoán trong nước đi ngang, hội nhóm lừa đảo đầu tư cổ phiếu quốc tế nở rộ