Fed tăng lãi suất chỉ có thể thắt chặt được lượng cầu, lạm phát sẽ không giảm ngay lập tức mà chỉ giảm một cách từ từ, có thể phải tính bằng năm.
Rạng sáng nay (22/9) theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, Fed đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất vượt xa mức hiện tại nhằm chống lại lạm phát.
Cụ thể, các quan chức Fed đã báo hiệu ý định tiếp tục tăng cho đến khi mức tiền đạt mức "lãi suất cuối cùng", hoặc điểm kết thúc là 4,6% vào năm 2023.
Biểu đồ chấm - một biểu đồ vạch ra triển vọng của các nhà hoạch định chính sách về việc lãi suất sẽ ở đâu trong tương lai, được biểu thị bằng các dấu chấm (mỗi dấu chấm trên biểu đồ thể hiện dự đoán của các thành viên ủy ban) cho thấy hầu như tất cả các thành viên đều tin rằng mức lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian tới. 6 trong số 19 “dấu chấm” ủng hộ việc đưa lãi suất lên phạm vi 4,75% - 5% vào năm tới, nhưng xu hướng trung tâm là 4,6%, điều này sẽ đưa lãi suất vào vùng 4,5% - 4,75%.
Sau quyết định của Fed, Dow Jones đã giảm 800 điểm dù những giờ ngay trước phiên họp chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận sắc xanh. Vậy đối với thị trường Việt Nam, quyết định của Fed sẽ tác động ra sao và nhóm ngành nào sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ việc tăng lãi suất?
Các chuyên gia đã đưa ra đánh giá cũng như những quan điểm của mình về việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng ra sao đến thị trường chứng khoán cũng như các nhóm ngành tại Việt Nam trong Chương trình Bí mật đồng tiền ngày 21/9.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định việc Fed tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến dài hạn với các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ của Việt Nam. Đặc thù ngành bán lẻ sẽ chịu tác động của những yếu tố trong nước trước rồi mới đến các thông tin từ nước ngoài.
Ngược lại, với nhóm ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những sự chuẩn bị từ trước cho viễn cảnh Fed tăng lãi suất. Ví dụ như thời gian gần đây mức lãi suất trong nước đã "rục rịch" tăng lên. Lãi suất qua đêm luôn ở mức 4-5%, tạo sự chênh lệch lớn với lãi suất USD ở thời điểm hiện tại. Vì vậy so với các yếu tố khác, quyết định của Fed sẽ ít ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chuyên viên phân tích Công ty Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị, nhiều nhóm ngành hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi câu chuyện Fed tăng lãi suất, đặc biệt là những nhóm ngành có nguyên vật liệu phải nhập khẩu.
Ông Tuấn cho rằng thị trường hàng hóa thường có độ nhạy lớn với lãi suất vì liên quan đến chi phí vốn, chi phí hàng tồn kho và chi phí quản trị rủi ro. Một số nhóm ngành hàng Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn như thức ăn chăn nuôi, năng lượng nên khi tỷ giá biến động có thể ảnh hưởng đến giá vốn nhập vào. Những yếu tố trên có thể tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ, Fed tăng lãi suất chỉ có thể thắt chặt được lượng cầu, còn lạm phát do tắc nghẽn nguồn cung vì những bất ổn địa chính trị trên thế giới sẽ phải mất nhiều thời gian để giải quyết, chính sách tiền tệ không giải quyết được việc đó. Theo đó, lạm phát sẽ không giảm ngay lập tức mà chỉ giảm một cách từ từ, có thể phải tính bằng năm nên ít nhiều vẫn sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán.
Ông Hưng cũng nhận định sau khi có thông tin Fed chính thức tăng lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm thì thị trường hay có một cú hồi phục mạnh. Điều này đã xảy ra nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, sang đến ngày hôm sau thị trường lại có xu hướng "lao dốc" là một chuyện đã xảy ra nhiều lần.
Ông Nguyễn Minh Tuấn chỉ ra rằng Fed đang là nơi cung cấp tiền cho cả thế giới nên mỗi quyết định tăng lãi suất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán hay hàng hóa, mà còn có thể ảnh hưởng đến chính trị và nền kinh tế. Giai đoạn này, bài toán lớn mà Fed sẽ giải quyết là ổn định giá cả thị trường, ổn định đời sống cho người dân nên họ vẫn sẽ kiên định với chính sách của mình.
Đầu tư nhóm cổ phiếu nào trong môi trường lãi suất tăng cao?