Giá cà phê tăng chóng mặt, các doanh nghiệp niêm yết đang làm ăn thế nào?

31-05-2023 10:30|Hoàng Hải

Giá cà phê bật tăng trong những tháng đầu năm 2023 có thể là dấu hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê niêm yết.

Sự phục hồi mạnh mẽ của giá cà phê trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư không chỉ của doanh nghiệp kinh doanh cà phê, người tiêu dùng mà còn cả của những nhà đầu tư yêu thích đầu tư hàng hóa, cổ phiếu cà phê.

Từ tháng 4/2023, chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã tăng 5% so với tháng trước lên mức bình quân 178,6 US cent/pound, tương ứng với 168,1 – 187,3 US cent/pound. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 9/2022.

Đà tăng của giá cà phê tiếp tục kéo dài sang tháng 5 sau khi ICO đưa ra dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 31/9/2023) đạt khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thiếu hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại.

Với xu hướng đi lên từ cuối năm 2022 đến nay, giá cà phê thế giới đã tăng 14% từ mức trung bình 156,7 US cent/pound vào tháng 11/2022 lên 178,6 US cent/pound trong tháng 4/2023.

Theo ICO, giá cà phê tăng trong thời gian qua do được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản của thị trường, với việc thị trường cà phê thế giới dự kiến sẽ thiếu hụt năm thứ hai liên tiếp trong niên vụ 2022-2023.

Giá cà phê tăng chóng mặt, các doanh nghiệp niêm yết đang làm ăn thế nào?
Diễn biến hợp đồng tương lai cà phê London trong khoảng 1 tháng trở lại đây

Giá nội địa tăng cao - yếu tố chính kéo nông dân quay lại cây cà phê

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hơn một tháng nay, giá cà phê nhân liên tục tăng theo chiều thẳng đứng. Hiện nay, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đạt ngưỡng 61.000 đồng/kg - mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, giá cà phê tăng kéo nông dân quay lại với cây cà phê khiến ngành cà phê có nguy cơ vướng Quy định EUDR(là một quy định chống phá rừng, trong đó đưa ra yêu cầu tất cả những sản phẩm xuất khẩu đặc biệt từ nông nghiệp gồm: cà phê, ca cao và đậu nành... ở các nước EU phải thỏa mãn yêu cầu không phá rừng và không làm cho rừng bị suy thoái).

Báo cáo cho thấy, niên vụ 2022-2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước không thể mua hàng vì đói vốn khi ngân hàng siết chặt tín dụng và lãi suất quá cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nội địa đành đứng ngoài, dành sân chơi cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI .

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng hàng xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI liên tục tăng trưởng qua các tháng trong niên vụ 2022 - 2023, đặt biệt tập trung vào tháng 2 và 3.

Tỷ trọng lượng xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI trong 4 tháng đầu năm nay cũng được nâng lên 30%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Về xuất khẩu, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới sau Brazil về xuất khẩu cà phê, nhưng riêng cà phê Robusta thì Việt Nam chiếm đến 50% lượng xuất khẩu trên toàn cầu. Vì vậy, khi sản lượng cà phê của Việt Nam sụt giảm sẽ tác động lên cung, cầu cũng như giá toàn cầu.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, sản lượng cà phê giảm từ 10-15%/năm. Tuy nhiên, năm nay có thể giảm trên dưới 20% so với dự đoán ban đầu do khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cộng với hiện tượng El Nino tác động lớn đến năng suất và sản lượng cà phê.

Mặt khác, trong những năm gần đây, giá quá thấp nên có một số diện tích cà phê chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, như sầu riêng chanh dây… cây trồng xen trên diện tích cà phê cũng tăng. Đó là những yếu tố khiến sản lượng cà phê ngày càng sụt giảm, đẩy giá cà phê tăng lên.

Giá tăng - Cơ hội cho doanh nghiệp "hút" lợi nhuận?

Tính đến hết tháng 4/2023, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê tiêu biểu đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 như Cà phê Phước An (CPA), Cà phê Gia Lai (FGL), Vinacafe Biên Hoà (VCF), Cà phê Thắng Lợi (CFV)...

Kết thúc quý 1/2023, CTCP Cà phê Phước An (CPA) ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 162% so với cùng kỳ, đạt hơn 7,7 tỷ đồng. Song giá vốn hàng bán phát sinh 270% dẫn đến lợi nhuận gộp âm 450 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 745 triệu. Trừ đi các chi phí, công ty lỗ sau thuế 3,58 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 670 triệu đồng. Đây là quý lỗ thứ 8 liên tiếp kể từ quý 2/2021. Bên cạnh đó, Cà phê Phước An cũng đã lỗ lũy kế hơn 166 tỷ đồng. Khoản lỗ này ăn mòn vốn chủ sở hữu của công ty xuống còn 70 tỷ đồng.

CTCP Cà phê Gia Lai (FGL) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý 1/2023. Cụ thể, doanh thu trong kỳ chỉ đạt 22 triệu đồng so với mức 4,3 tỷ đồng cùng kỳ, giảm hơn 99%. Theo đó, doanh thu đến hoàn toàn từ hợp tác kinh doanh, không trực tiếp buôn bán cà phê. Trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 2,7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 2,9 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, FGL lỗ lũy kế hơn 77 tỷ đồng dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn chưa tới 70 tỷ.

Ngược lại, Vinacafe Biên Hoà (VCF), trong quý 1/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 445 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết, doanh thu hoạt động tài chính tăng 71% lên 16,9 tỷ đồng do tối ưu hóa dòng tiền và không còn phát sinh khoản trích lập dự phòng vào công ty con. Kết quả, công ty lãi sau thuế 73 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCF niêm yết sàn HOSE từ năm 2011 và hiện có giá 206.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2022, công ty cũng nằm trong Top 10 doanh nghiệp niêm yết có EPS cao nhất với hơn 12.000 đồng.

Hay như CTCP Cà phê Thắng Lợi (CFV), quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu tăng 24% so với cùng kỳ lên 115 tỷ đồng, chủ yếu là do đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu và giá bán tăng. Lãi gộp của CFV tăng 11% lên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã nỗ lực thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động do đó lãi sau tăng gấp 4,5 lần cùng kỳ, lên gần 1,4 tỷ đồng.

Nhìn chung, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê niêm yết vẫn chưa đồng đều và khá bấp bênh. Song với đà tăng của giá cà phê sẽ là tin vui cho các doanh nghiệp bứt phá trong nửa cuối năm 2023.

Giá cà phê hôm nay 13/11: tiếp tục tăng giữa mối lo gián đoạn nguồn cung

Giá cà phê hôm nay 11/11: thị trường tuần chờ phán quyết chính thức về EUDR

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-ca-phe-tang-chong-mat-cac-doanh-nghiep-niem-yet-dang-lam-an-the-nao-185242.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá cà phê tăng chóng mặt, các doanh nghiệp niêm yết đang làm ăn thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH