Savills cho biết, trong 6 tháng vừa qua, với phân khúc bất động sản (BĐS) nhà ở, nguồn cung bán ra thị trường hạn hẹp, giá bán tại các dự án vẫn giữ đà tăng liên tục trong 2 quý đầu năm.
Tại TP.HCM, nguồn cung sơ cấp biệt thự, nhà phố trong 6 tháng chỉ đạt hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Về giao dịch, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ trong 6 tháng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Dự báo từ nửa cuối năm 2021 đến năm 2023, nguồn cung đất nền, nhà liền kề vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP.HCM. Nguồn cung mới từ phân khúc này chiếm khoảng 32% tổng nguồn cung mới đến năm 2023.
Tại Hà Nội, nguồn cung sơ cấp đạt 1.950 căn, giảm 1% theo quý. Toàn thị trường đạt 1.087 giao dịch, tăng 16% theo quý và 131% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 59% - là mức hấp thụ cao nhất kể từ quý II/2019. Huyện Hoài Đức nắm giữ 50% thị phần, hầu hết đến từ dự án An Lạc Green Symphony và Hinode Royal Park.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.907 USD/m2, tăng 3% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 5.173 USD/m2, tăng 16% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 8.135 USD/m2, tăng 11% theo năm. Giá sơ cấp trung bình của các loại hình BĐS đều tăng trong quý II, với mức tăng hơn 20%. Trong vòng 5 năm vừa qua, giá chào bán thứ cấp của biệt thự, nhà liền kề đã tăng khoảng 7% mỗi năm.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam nhận định, về mặt nguồn cung đã có sự sụt giảm khá mạnh, lượng hàng chào bán ra thị trường không nhiều. Vì nguồn cung mới và lượng hàng tồn kho thấp nên lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là giá bán của căn hộ và nhà phố, biệt thự đều có xu hướng tăng.
Giá bán tại thị trường thứ cấp có mức tăng khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là bởi, người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ tốt.