Lý do chính khiến EU sẽ không thể cấm dầu Nga một cách hiệu quả vì lệnh cấm này đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 nước thành viên.
Trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 2,7 triệu thùng dầu thô Nga/ngày và 1,5 triệu thùng sản phẩm dầu khác/ngày, chủ yếu là dầu diesel.
Lý do chính khiến EU sẽ không thể cấm dầu Nga một cách hiệu quả vì lệnh cấm này đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 nước thành viên. Ngay cả trước khi 27 quốc gia thành viên EU nhóm họp vào ngày 8/5 để thảo luận về việc thúc đẩy lệnh cấm dầu Nga, Hungary và Slovakia đã nói rõ rằng họ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Hungary đã nhập khẩu 70.000 thùng/ngày, tương đương 58% tổng lượng dầu nhập khẩu vào năm 2021 từ Nga, trong khi con số của Slovakia thậm chí còn cao hơn, ở mức 105.000 thùng/ngày, tương đương 96% nhập khẩu dầu vào năm ngoái.
Các nước EU khác phụ thuộc nhiều vào đường ống Nam Druzhba của Nga chạy qua Ukraine và Belarus cũng đã nói rõ rằng không sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm dầu Nga trong đó nước phản đối mạnh nhất là Séc - nước nhập 68.000 thùng/ngày, tương đương 50% tổng nhập khẩu - và Bulgaria – nước gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ tập đoàn dầu khí quốc doanh Gapzrom của Nga. Bulgaria còn có nhà máy lọc dầu duy nhất thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga là Lukoil, cung cấp hơn 60% tổng nhu cầu nhiên liệu.
Các quốc gia thành viên EU cũng đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu dầu của Nga là Litva (185.000 thùng/ngày, tương đương 83% tổng lượng dầu nhập khẩu năm 2021) và Phần Lan (185.000 thùng/ngày, tương đương 80% tổng lượng dầu nhập khẩu).
Ngay cả các đề xuất thỏa hiệp mà EU đưa ra để cho phép Hungary và Slovakia tiếp tục sử dụng dầu Nga cho đến cuối năm 2024 và cho Cộng hòa Séc đến tháng 6/2024 cũng không đủ để khiến hai nước này ngừng phản đối đề xuất cấm dầu Nga của EU.
Một số quốc gia thành viên EU đã nói rõ rằng họ sẽ phủ quyết mọi đề xuất cấm nhập khẩu dầu (hoặc khí đốt) của Nga. Không chỉ các nước này và bản thân cơ quan hành pháp của EU là Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã tìm cách tốt nhất để tiếp tục thanh toán tiền nhập khẩu dầu và khí đốt Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Ngoài ra, bản thân quốc gia “đầu tàu” EU là Đức không chắc chắn về vấn đề cấm dầu Nga. Đức cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu cấm dầu và khí đốt Nga vì Đức nhập nhiều dầu thô nhất từ Nga vào năm 2021 so với các quốc gia EU khác: trung bình là 555.000 thùng/ngày, tương đương 34% tổng lượng dầu nhập khẩu trong năm đó.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, Đức đã chuẩn bị cho lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga nhưng trong thực tế, Đức vẫn chưa thể tìm được nguồn năng lượng thay thế trong dài hạn.
Động thái chưa dứt khoát của Đức và EU trong cấm dầu Nga đã khiến giá dầu cao hơn mức cần thiết.
Về phía nguồn cung, vẫn có những cam kết nhất định từ Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm về tăng đáng kể nguồn cung năng lượng trong nước vào cuối năm nay. Mỹ cũng đang tìm cách để có thêm ít nhất 3 triệu thùng/ngày trong nguồn cung mới toàn cầu.
Ngoài ra, vẫn có triển vọng Mỹ và một số nước sẽ xả kho dầu chiến lược lần nữa. Mỹ cũng có thể gây áp lực buộc OPEC phải tăng sản lượng.
Về phía cầu, tình trạng phong tỏa phòng chống Covid-19 ở Trung Quốc vẫn làm giảm mức cầu về dầu và chưa thấy dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách phòng chống dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, một loạt các đợt tăng lãi suất của Mỹ đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở những nơi khác.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ứng phó như thế nào với 'mùa đông khắc nghiệt' của ngành lọc hóa dầu?
Mỹ bơm 13,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, thách thức OPEC+ giữa lúc giá dầu giảm