Sau khi tăng mạnh vào tuần trước, giá dầu thế giới đã đảo chiều giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/10.
Theo Oilprice, lúc 16h20 ngày 10/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 1,01% xuống còn 96,93 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI giao tháng 11 cũng giảm 0,95% còn 92,17 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent đã có lúc lên mức gần 99 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 30/8; giá dầu WTI cũng lên gần 94 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 5 tuần.
Trong tuần qua, trước và sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng đến 2 triệu thùng/ngày và việc EU quyết định áp giá trần với dầu của Nga, cả dầu Brent và WTI đều có mức tăng theo phần trăm cao nhất kể từ tháng 3/.2022 và tăng tổng cộng đến hơn 10 USD/thùng.
Bà Tina Teng, chuyên gia phân tích của CMC Markets, công ty cung cấp dịch vụ tài chính uy tín trụ sở tại Anh, nhận định: "Chốt lời có thể là lý do chính gây áp lực lên giá dầu sáng 10/10 sau 5 ngày tăng trong tuần trước".
Các chuyên gia nhận định có rất nhiều yếu tố không chắc chắn trên thị trường như việc nguồn cung dầu từ Nga sẽ ra sao do lệnh trừng phạt của EU và nhu cầu dầu liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô đang xấu đi.
Tuy nhiên, giá dầu được dự báo còn tăng cao trong vài tháng tới. Các nhà phân tích tại ngân hàng và công ty môi giới cho rằng giá dầu Brent có thể vượt mốc 100 USD một thùng.
Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, cho rằng giá dầu Brent sẽ đạt hơn 100 USD/thùng vào tháng 12 năm nay.
Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 lên 104 USD/thùng và năm 2023 lên 110 USD/thùng. UBS Global Wealth Management cũng dự đoán giá dầu Brent sẽ vượt mốc 100 USD/thùng vào quý tới.
"Rõ ràng thị trường đang có nhiều điều thiếu chắc chắn, như nguồn cung dầu Nga sẽ biến động thế nào vì lệnh cấm vận của EU và sáng kiến áp giá trần của G7, hay nhu cầu dầu ra sao khi tình hình vĩ mô xuống cấp", các nhà phân tích tại ING nhận định.
Khả năng Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch trong quý 4 và năm 2023 có thể kéo nhu cầu dầu lên cao, từ đó gây sức ép lớn hơn lên giá.
Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh tiếp quản dự án dầu khí Sakhalin-1 sau khi Exxon Mobil rút lui. Sản lượng dầu tại dự án này chỉ còn 10.000 thùng một ngày trong tháng 7, thấp hơn đáng kể mức 220.000 thùng trước xung đột Ukraine.
Arab Saudi và Mỹ bước vào "cuộc chiến dầu mỏ", trật tự năng lượng toàn cầu lung lay