Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lấy lại "ngôi vương", doanh nghiệp đón tin vui cuối năm

07-10-2022 22:20|Quỳnh Mai

Theo các doanh nghiệp, giá gạo Việt xuất khẩu đang được chào bán cao hơn giá chào bán của gạo Thái Lan và tiếp tục có xu hướng tăng dần.

Giá gạo Việt xuất khẩu tăng vượt Thái Lan

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 7/10, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan giảm 1 USD/tấn, gạo Pakistan giảm 5 USD/tấn và gạo Ấn Độ giảm 15 USD/tấn.

Với mức giá này, hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang duy trì vị trí dẫn đầu thị trường thế giới với mức 428 USD/tấn, vượt qua mức đỉnh hồi giữa tháng 3 khoảng 425 USD/tấn. Hiện gạo Việt đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 6 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 40 USD/tấn và gạo cùng loại của Ấn Độ 50 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đến thời điểm này mặt bằng giá gạo của Việt Nam tăng khoảng 40 - 50 USD/tấn. Hiện thị trường gạo đang chuyển biến tích cực, lượng khách hàng tìm đến Việt Nam như nguồn cung thay thế nhiều hơn và xu hướng tăng giá vẫn còn tiếp diễn.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các thương nhân xuất khẩu gạo chủ động theo dõi tình hình thị trường, đánh giá rủi ro về giá để xây dựng phương án giao dịch hợp lý, phòng ngừa rủi ro về thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới dự báo đến cuối năm có nhiều biến động.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam chào giá cho cuối tháng 10, đầu tháng 11 mức 455 - 450 USD /tấn (FOB), hàng container, cao hơn gạo của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn. Tuy nhiên, giá chào này là khá cao nên khách hàng đang xem xét lại.

Gạo OM 18, ĐT 8 chào mức 480 USD - 490 USD/tấn tùy theo chất lượng có sortex hay không. Gạo Jasmine chào bán đi các thị trường cơ bản có giá từ 540 USD - 550 USD/tấn. Gạo Jasmine vẫn giao dịch bình thường, còn với gạo thơm nhẹ hay gạo trắng thường giao dịch khá trầm lắng, do giá mức khá cao nên khách hàng tỏ ra e dè. Ở thị trường trong nước mua các loại gạo này muốn mua với số lượng lớn cũng không mua được vì đã qua mùa vụ.

Theo ông Phạm Khắc Thiên Tường, Phó Tổng Giám đốc Edutrade, thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Nước này áp thuế 20% đối với gạo trắng chưa xát, gạo lứt xát và gạo nửa xay hoặc xát toàn bộ.

Ông Tường cho rằng Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo khô cơm, trong khi Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo dẻo, gạo thơm nên có sự khác biệt về phân khúc và chất lượng. Tuy nhiên, động thái mới đây của Ấn Độ vẫn sẽ giúp hoạt động xuất khẩu lúa gạo tại Việt Nam được hưởng lợi. Khi nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới bị thu hẹp lại, cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo sẽ nhiều hơn.

Nhiều yếu tố trợ lực cho xuất khẩu gạo cuối năm

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, trước đây Philippines dự kiến nhập khẩu gạo vào tháng 12, khi vụ mùa ở nước này kết thúc, nhưng nay do tình hình bão lũ tàn phá nặng nề các vùng nông nghiệp trọng điểm, nên chính phủ nước này đang tính đến chuyện nhập khẩu thêm gạo để đủ tiêu dùng trong nước, và tồn kho dự trữ quốc gia.

Hiện nay, giá gạo ở thị trường gạo trong nước đang đứng ở giá cao. Cụ thể: gạo lứt ĐT 8, OM 5451... doanh nghiệp đang mua vào hơn 9.000 đồng/ kg, gạo ĐT 8, OM 5451 loại 5% giá 10.200 đồng/kg. Tương đương giá gạo xuất khẩu là 480 USD/tấn, dù vậy vẫn còn thấp hơn so với năm 2019, 2020 có giá bán từ 570 USD đến 580 USD/tấn.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, năm nào cũng vậy khi vào mùa thu hoạch lúa Philippines sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo, hoặc nhập khẩu ít lại để xem thu hoạch trong nước như thế nào mới quyết định lượng gạo (trắng thường) nhập khẩu theo hạn nhập chính phủ. Đó là đối với gạo trắng thông thường, còn đối với các loại gạo cao cấp như: Japonica, thơm cao cấp, dòng gạo ST... các thương nhân vẫn nhập khẩu bình thường.

“Bây giờ đã là tháng 10, nếu Philippines nhập khẩu sớm hơn cũng bình thường, và nhập khẩu chính của họ vẫn là loại gạo trắng thơm nhẹ có giá rẻ hơn một chút. Song, diện tích trồng các loại lúa này hiện không nhiều do nông dân chuyển sang trồng các loại lúa OM 18, ĐT 8, ST 21, ST 25…

Cũng theo ông Phan Văn Có, hiện có yếu tố hỗ trợ giá gạo trong nước: Một là tỷ giá USD/VNĐ đang tăng cao; Philippines và Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại, nên giá gạoxuất khẩu có thể tăng thêm hơn so với hiện tại.

Dự báo giá lúa Thu Đông sẽ tốt hơn tạo tâm lý phấn khởi để bà con đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân tới, là vụ lúa chính có lượng hàng hóa rất dồi dào, các nước sẽ tăng nhập hàng để tiêu dùng hoặc dự trữ.

Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, hiện nay những biến động trên thị trường gạo thế giới như chiến tranh, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều nước phải tính toán lại nhu cầu an ninh lương thực của mình. Trong khi đó, nguồn cung gạo của Việt Nam được duy trì ở mức khá ổn định, do đó đây là cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

“Trong bất cứ tình huống nào, chúng ta vẫn đảm bảo được sản lượng 6 - 7 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Vấn đề là các doanh nghiệp phải tính toán thế nào để bán được với mức giá hợp lý, đảm bảo lợi ích cho người dân”, ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.

Bức tranh "sáng màu" cho ngành gạo cuối năm 2022

Giá lúa gạo hôm nay 11/12: lúa tươi tiếp đà tăng cao

Giá lúa gạo hôm nay 10/12: gạo nguyên liệu thơm nhích nhẹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-gao-xuat-khau-viet-nam-lay-lai-ngoi-vuong-doanh-nghiep-don-tin-vui-cuoi-nam-152393.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lấy lại "ngôi vương", doanh nghiệp đón tin vui cuối năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH