Giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận với các nước trong khu vực, giá thu mua mía của ngành mía đường tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường Thái Lan, giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực, giá thu mua mía của ngành mía đường Việt Nam.
Tại tọa đàm "Thực trạng ngành Mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại", ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết sau khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3 giảm tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá mía và đường đã tăng đáng kể.
Vùng nguyên liệu mía đã từng bước được phục hồi, người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mía đường cũng giảm dần áp lực cạnh tranh.
Ông Lộc khẳng định, giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực, giá thu mua mía của ngành mía đường Việt Nam. Đối với người dân, giá thu mua mía đang bằng giá thu mua tai Indosia, Philippines, cao hơn cả Thái Lan.
Ông cũng cho rằng ngành đường được "minh oan" khi bị mang tiếng chỉ trông chờ vào bảo hộ, không có năng lực cạnh tranh bởi nhiều nước khu vực ATIGA có trình độ canh tác và sản xuất thấp hơn.
Nó cho thấy ngành mía đường Việt Nam bị biến dạng trong suốt thời gian dài bởi đường Thái Lan. Đường nhập khẩu khiến người sản xuất chân chính không còn chỗ.
Ông Lộc chia sẻ, chúng ta không kém về năng lực cạnh tranh nhưng thua về cách nhà nước ủng hộ mía đường. Có những bằng chứng ngành đường Thái Lan được trợ cấp giá. Nước này cũng từng bị kiện ở WTO từ năm 2016. Trung Quốc cũng đã áp dụng biện pháp từ năm 2018.
Bên cạnh đó, các biện pháp này đã giúp chặn đứng lại sự suy thoái của ngành ngay từ khi bắt đầu công bố điều tra, giúp giá đường đi lên. Ngay từ khi công bố điều tra, giá đường bắt đầu được nâng lên. Hiệp hội cũng khuyến cáo các nhà máy nâng giá thu mua mía, diện tích từ đó tăng lên.
Tuy nhiên, ông Lộc cho biết dù giá đường tăng nhưng các nhà máy gần như hòa vốn bởi chi phí đầu vào hiện nay lớn.
Kể từ khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các nhà đã nâng giá thu mua mía (chiếm 70% chi phí sản xuất) 2 - 3 lần. Nhưng các nhà máy không thể thu mua được số lượng lớn vì vùng nguyên liệu đã bị suy giảm nghiêm trọng trước tác động giá cuộc khủng hoảng giá trước đó.
"Giá thu mua mía cao trong khi các nhà máy không thể tăng sản lượng đường vì thiếu nguyên liệu dẫn đến chỉ duy trì ở mức hòa vốn", ông Lộc nói.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) cho hay, từ chỗ có 2 nhà máy, công ty đã phải đóng cửa 1 nhà máy. Trong vòng 3 năm (2018 - 2020), công ty lỗ trên 200 tỷ đồng.
Trong niên vụ 2020 - 2021 nếu không có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chắc chắn nhà máy còn lại cũng sẽ phải đóng cửa và doanh nghiệp phá sản.
Ông Minh kỳ vọng, nếu thị trường ổn định nhưng hiện nay, trong 3 - 4 năm nữa, chắc chắn các nhà máy đường sẽ ổn định, phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng bên cạnh việc vận dụng linh hoạt các biện pháp phòng vệ thương mại bản thân các doanh nghiệp ngành mía đường, người trồng mía cũng cũng cần phải tiếp tục nâng cao năng lực để có thể là cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Trung cho biết, phòng vệ thương mại không phải là biện pháp ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu mà hướng đến mức giá công bằng. Muốn có được sự bình đẳng, các doanh nghiệp ngành mía đường cần nỗ lực nâng cao chức năng cạnh tranh, năng lực nội tại của chính mình.