Giá nhà ở, bất động sản vẫn có xu hướng tăng bất chấp dịch bệnh

18-08-2021 15:05|Anh Khôi

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bùng phát từ giữa quý II đã gây khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên theo thông cáo mới đây của Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản, lượng giao dịch và giá nhà ở, bất động sản vẫn có xu hướng tăng trong quý vừa qua.

Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, trong quý II đã có 29.949 giao dịch bất động sản thành công, tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, tại miền Trung có 7.300 giao dịch thành công và tại miền Nam có 16.265 giao dịch thành công.

Về giá cả, giá giao dịch nhà ở tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Nhận định trên VTV digital, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol Anh Quốc cho biết, giá bất động sản trên khắp thế giới tăng trong thời điểm dịch bệnh bởi lý do quan trọng nhất là sự thay đổi về việc phân bổ danh mục đầu tư. Hiện tại có một lượng lớn tiền nhàn rỗi thay vì đưa vào sản xuất thì lại được đưa vào đầu tư tài chính và bất động sản.

Báo cáo về mức độ phân bổ tài sản của người giàu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ sở hữu bất động sản và đầu tư tài chính của nhóm này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai thập kỷ trở lại đây.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục tại một số quốc gia cũng là động lực thúc đẩy các giao dịch mua nhà. Tại Anh, lãi suất khoản cho vay mua nhà chỉ còn từ 1,8 - 2%.

Bất động sản Việt Nam không nằm ngoài các xu hướng trên, bên cạnh đó, thị trường còn có thêm một động lực khác, đó là sự chuyển biến, kỳ vọng vào các chính sách mới của chính phủ.

Các nhà đầu tư tin tưởng khi hoạt động đầu tư công được thúc đẩy, những hạ tầng mới được xây dựng sẽ tạo ra các khu vực có giá bất động sản tăng mạnh.

Phân tích về việc tăng giá bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn trong khi nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng hai và tháng ba vừa qua.

Dòng tiền đang chảy vào thị trường bất động sản gồm: tiền gửi ngân hàng được rút ra vì lãi suất thấp, tiền thu lợi từ thị trường chứng khoán, tiền kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới đầu tư không có hiệu quả do Covid-19 đã quay về Việt Nam để đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế bị thu hẹp hoạt động vì Covid-19 đã chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Các dòng tiền này đổ vào thị trường khiến tổng lượng tiền sẵn sàng thanh toán mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng. Tuy nhiên, bản chất của sự gia tăng này là đầu tư ngắn hạn, chỉ muốn sinh lợi cao và nhanh. Vì thiếu kinh nghiệm đầu tư nên nhóm này tham gia theo đám đông và dễ bị dụ dỗ, mắc bẫy… Khi phát hiện nguy hiểm sẽ tìm cách cắt lỗ, tháo chạy hoặc khi hết dịch sẽ quay về thị trường cũ. Do vậy thị trường không bền vững, gây hậu quả đẩy giá bất động sản lên cao.

Theo ktck bat dong san
https://kinhtechungkhoan.vn/gia-nha-o-bat-dong-san-van-co-xu-huong-tang-bat-chap-dich-benh-100633.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá nhà ở, bất động sản vẫn có xu hướng tăng bất chấp dịch bệnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH