Họ luôn có nguyên tắc đặc biệt để duy trì vinh quang của gia tộc suốt 7 thế hệ.
Nếu coi gia tộc Cargill-MacMillan là một "quốc gia" thì với 14 tỷ phú (năm 2019), họ có nhiều tỷ phú ngang với Thụy Điển và Israel. Còn nếu so với Việt Nam, thậm chí số lượng này còn nhiều gấp gần 3 lần.
Trong 500 người giàu nhất thế giới, gia tộc Cargill-MacMillan có 5 người. Đây là gia tộc có số tỷ phú nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, họ hiếm khi xuất hiện trước báo giới mà thực sự là những "nông dân" âm thầm tạo dựng một trong các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước Mỹ.
Người đặt nền móng cho đế chế đình đám
Người đặt nền móng cho sự nghiệp lẫy lừng của công ty là William Wallace Cargill. Ông sinh năm 1844 tại New York (Mỹ), là con trai của một người Scotland nhập cư. Năm William Wallace Cargill 12 tuổi, cha ông - người vốn là thủy thủ quyết định bỏ nghề đi biển. Cả gia đình chuyển đến sống tại một trang trại ở Wisconsin.
Khoảng 9 năm sau, William Wallace Cargill mua một kho ngũ cốc nhỏ tại một thị trấn thuộc bang Iowa. Ông mở dịch vụ lưu trữ, cho phép nông dân địa phương gửi ngũ cốc tại kho của mình với chi phí hợp lý để chờ tới khi được giá. Hoặc những người nông dân có thể bán trực tiếp ngũ cốc cho William. Đây chính là tiền thân của công ty Cargill đình đám sau này.
Thị trấn nơi William Wallace Cargill khởi nghiệp có một lợi thế duy nhất, đó là nằm ở cuối tuyến đường sắt phía Tây. Nông dân sẽ tập trung nông sản tại đây, rồi phân phối đi khắp nơi thông qua đường sắt. Nhờ nằm ở nơi đầu mối này, kho ngũ cốc của William Wallace Cargill chẳng mấy chốc làm ăn phát đạt.
Sau đó, hai người anh em của William Wallace Cargill cũng tham gia kinh doanh cùng ông. Năm 1868, họ chuyển công ty đến Minnesota.
Trong 2 năm tiếp theo, anh em nhà Cargill mua lại các kho ngũ cốc dọc theo tuyến đường sắt Nam Minnesota. Họ phát triển chúng thành một mạng lưới nhà kho dọc theo các tuyến đường sắt miền Tây nước Mỹ. Gia tộc này đã thiết lập một hệ thống kinh doanh khổng lồ, mở rộng rất nhanh với chi phí thấp.
Nắm trong tay các mặt hàng nông sản quan trọng, nhất là các loại hạt có dầu, anh em nhà Cargill mở rộng kinh doanh, xây dựng hàng loạt nhà máy ép dầu từ nông sản. Từ đó, họ từng bước tiến dần vào những lĩnh vực kinh doanh mới có liên quan.
Sau hơn 20 năm hoạt động, anh em nhà Cargill đã nắm trong tay hơn 100 kho ngũ cốc trên khắp vùng Minnesota và Dakota. Họ đã trở thành những nhà buôn ngũ cốc hàng đầu trong khu vực.
Năm 1895, Edna Cargill - con gái lớn của William - kết hôn với người bạn thanh mai trúc mã John McMillan. Kể từ đó, William dần giao lại việc kinh doanh cho con rể.
Năm 1909, William Wallace Cargill qua đời. John McMillan chính thức nắm quyền điều hành công ty. Tuy nhiên, vào lúc này, công ty Cargill lại rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhưng may mắn đã mỉm cười với gia tộc Cargill-MacMillan, Thế chiến I bùng nổ khiến giá ngũ cốc tăng vọt. Nhờ thế, công ty Cargill đã may mắn vượt qua cơn bĩ cực. Trên đà trỗi dậy, John McMillan đã thành lập một loạt các văn phòng trên khắp thế giới, mở rộng quy mô thương mại của Cargill ra toàn cầu.
Năm 1936, John McMillan nghỉ hưu, truyền lại quyền lực của mình cho con trai là John McMillan Jr. Trong thời gian này, Cargill đã phát triển vượt bậc, lần đầu tiên vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.
Mãi đến năm khi John McMillan Jr. qua đời vào năm 1960, thế hệ thứ tư của gia tộc Cargill-McMillan lần đầu tiên quyết định bổ nhiệm một người ngoài làm CEO cho công ty.
Doanh nghiệp không bao giờ thiếu vốn
Khoảng thời gian khó khăn không kéo dài lâu. Đến năm 1976, Whitney MacMillan tiếp quản công ty, đưa quyền lực trở về với gia tộc. Ông đã giúp Cargill tăng gấp đôi quy mô, trở thành doanh nghiệp kinh doanh ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Sau khi Whitney MacMillan nghỉ hưu, không có thành viên nào trong gia tộc này nắm quyền điều hành công ty. Tuy nhiên, gần 90% tài sản của Cargill vẫn nằm trong tay 23 thành viên trong gia đình. Vì thế, dù vị trí Giám đốc điều hành biến động ra sao thì việc đưa ra quyết định quan trọng cho công ty vẫn thuộc về người của gia tộc Cargill-MacMillan.
Có thời kỳ, Cargill đóng góp 25% vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ, chiếm đến 22% thị phần trên thị trường thịt lợn Mỹ, là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất ở Thái Lan. Họ cũng là nhà sản xuất muối Alberger – chuyên dùng trong ngành công nghiệp đồ ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn – duy nhất ở Mỹ.
Tính đến hiện tại, gia tộc Cargill-MacMillan đã trải qua 7 thế hệ nắm trong tay Công ty Cargill. Với 14 tỷ phú (năm 2019), Cargill-MacMillan là gia tộc có số tỷ phú nhiều nhất thế giới và đứng thứ 8 trong số các gia tộc giàu nhất hành tinh. Năm 2022, con số này giảm còn 12 người.
Một điều lạ lùng khác là gia tộc Cargill-MacMillan không niêm yết công ty trên sàn giao dịch chứng khoán. Lý do là họ không bao giờ thiếu vốn, cũng như không muốn chia sẻ công ty với người ngoài. Mặt khác, công ty thuộc quyền sở hữu của gia tộc cho phép họ có tầm nhìn dài hạn hơn và họ không phải bận tâm về giá trị cổ phiếu-tài sản của mình, mà chỉ tập trung và kiên trì cho mục tiêu lớn của công ty.
Hầu hết thành viên của gia tộc Cargill-MacMillan đều đi theo con đường kinh doanh mà cha ông truyền lại. Một trong những bí quyết để công ty Cargill phát triển mạnh mẽ là nguyên tắc luôn dùng 80% lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty để tái đầu tư. Cùng đó, Cargill còn có một yếu tố vô cùng quan trọng: Hệ thống quản lý rủi ro siêu bảo mật. Họ cũng sở hữu nhiều công cụ quản lý rủi ro mới lạ, chẳng hạn như phương án giải quyết rủi ro về khí hậu. Nhờ những công cụ này, dù có gặp thiên tai, bão tố thì Cargill vẫn có thể bảo đảm khoản thu nhập và lợi nhuận kếch xù.
Về đời sống, họ đều sống rất chừng mực và kín tiếng, nói không với bê bối và rất ít khi xuất hiện trên truyền thông. Họ vẫn luôn là những nông dân cần mẫn tại các điền trang ở Minnesota, Montana và Wisconsin.