Gia tộc giàu có bậc nhất Hà Nội một thời được gầy dựng từ gánh hàng xáo của người góa phụ, cuộc sống của 2 cậu ấm hiện tại khiến nhiều người không dám tin
Dòng họ này rất nổi tiếng khi là một trong những dòng họ trâm anh thế phiệt, lắm tiền nhiều của nhất chốn Kinh Kỳ xưa.
Gia tộc thịnh vượng từ gánh hàng xáo
Dòng họ Vũ từng là một trong những gia tộc giàu có bậc nhất khu phố cổ Hà Nội vào đầu thế kỷ 20 nhờ nghề buôn bán gạo. Cửa hàng của gia đình luôn tấp nập người mua, người bán, làm ăn thịnh vượng ở khu trung tâm thương mại lớn nhất cả nước.
Hậu duệ của dòng họ là ông Vũ Văn Quỳnh - thế hệ thứ ba của gia tộc họ Vũ. Theo lời ông Quỳnh, ông nội của ông mất khi mới 22 tuổi, để lại vợ và bốn người con, gồm ba gái và một trai. Cuộc sống hồi đó vô cùng khó khăn khi bà nội ông Quỳnh phải một mình nuôi dạy bốn đứa con, gánh nặng trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của người góa phụ.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bà nội ông Quỳnh đã lăn lộn làm đủ nghề, ban đầu là buôn bán hàng xáo như bánh gạo, ngô, sắn... Nhờ làm việc chăm chỉ không kể ngày đêm và gặp thời, bà nhanh chóng tích lũy được một tài sản đáng kể. Nhân đà thành công, bà mở rộng quy mô buôn bán, và nhờ vậy tài sản của gia đình ngày càng tăng lên nhanh chóng. Đến khi các con trưởng thành, gia tộc họ Vũ đã trở thành một trong những gia tộc giàu có nhất vùng đất Kinh Kỳ.
Với số tiền tích góp được, bà quyết định mua đất, mua nhà ở Hà Nội. Đến năm 1930, bà đưa bốn người con chuyển đến phố Hồng Phúc - một khu vực sầm uất với mặt tiền gần chợ Đồng Xuân - để thuận tiện cho việc kinh doanh và buôn bán.
Tháo vát, tài giỏi, nắm chắc quy luật trong buôn bán, từ một người bán rong hàng xáo, bà nội của ông Quỳnh trở thành chủ một cửa hàng lớn nổi tiếng khu phố cổ. Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục mở rộng cơ ngơi bằng cách mua thêm đất và xây dựng nhà ở các khu Cự Đà, Yên Phụ, và Hồng Phúc.
Không chỉ kinh doanh giỏi mà bà còn hết mực quan tâm đến việc chăm lo đầy đủ cho các con. Bà đặc biệt quan tâm đến mọi sinh hoạt của con, luôn đảm bảo con được học hành đầy đủ. Khi các con đã trưởng thành, bà vẫn giữ trọn lòng chung thủy, thủ tiết thờ chồng suốt đời.
Câu chuyện về người phụ nữ tần tảo này đã đến tai vua Khải Định, và bà được vua ban tặng sắc phong, gồm chiếu chỉ và biển hiệu chữ Hán với nội dung "Tiết hạnh khả phong". Đến hiện nay, trong căn nhà của dòng họ để lại, những món đồ thời xưa cùng bàn thờ dòng tộc được sắp xếp ngay ngắn, trang trọng. Biển hiệu "Tiết hạnh khả phong" treo cao đầy uy nghi, bên cạnh những câu đối cổ đã ngả màu và bộ bàn ghế tróc sơn... tất cả vẫn còn đó, lưu giữ dấu ấn một thời.
Cuộc sống hiện tại của những người cháu thế hệ thứ 3
Quá khứ dù huy hoàng đến đâu, cuộc sống hiện tại của những người con từng được coi là “ngậm thìa vàng từ trong trứng” cũng đã trải qua không ít biến cố. Thế hệ thứ ba của nhà họ Vũ có bảy người con, nhưng năm người đã mất; đến nay chỉ còn hai người còn sống là ông Vũ Văn Quỳnh và ông Vũ Văn Bích.
“Cậu Ấm” Quỳnh của gia tộc ngày nào giờ đang phải sống chung với nhiều căn bệnh tuổi già, chứng đãng trí ngày càng nghiêm trọng. Ở tuổi ngoài thất thập, ông không còn nhớ nhiều về quá khứ vàng son của dòng họ mình.
Trước đây, ông Quỳnh sống cùng em trai và em dâu - vợ chồng ông bà Vũ Văn Bảo - tại ngôi nhà cổ do cha mẹ để lại. Tháng 8/2017, em trai ông, ông Vũ Văn Bảo, qua đời, để lại bà Bích và người giúp việc chăm sóc cho ông.
Trong ký ức của hàng xóm, ông Quỳnh là một nhà giáo mẫu mực, một họa sĩ tài năng, và được biết đến là người sống “tình làng nghĩa xóm”. Tuy nhiên, do bệnh tình ngày càng nghiêm trọng và gia đình không có đủ thời gian chăm sóc, ông đã được đưa vào trung tâm dưỡng lão để nhận được sự chăm sóc tốt hơn.
Em dâu ông Quỳnh nhiều năm sau khi về hưu sống bằng công việc bán vé vệ sinh trên tầng hai của chợ Đồng Xuân. Các con của bà đều đã trưởng thành, lập gia đình nhưng không sống cùng mẹ. Sau khi chồng mất, anh chồng được đưa vào viện dưỡng lão, còn bà sống với người giúp việc tại căn nhà tổ do các cụ để lại trên phố Hồng Phúc.
Người em trai út Vũ Văn Bích là người cháu nội duy nhất của cụ bà còn khỏe mạnh và minh mẫn nhất. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu, sống cùng người vợ gần 30 năm trong căn nhà nhỏ phía sau nhà thờ tổ. Các con ông cũng đã trưởng thành.
Người đàn ông đã đi qua nửa đời người, ăn vận giản dị, tóc đã bạc màu, và những nếp nhăn hiện rõ trên gương mặt khắc khổ, ít ai nghĩ rằng ông là hậu duệ đời thứ ba của một gia tộc từng danh giá ở kinh kỳ hoa lệ.