Tài chính Ngân hàng

Giá vàng SJC vượt 90 triệu đồng, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp gấp rút

Nguyễn Lê 10/05/2024 08:31

Tại sao đã đấu thầu can thiệp thị trường, nhưng giá vàng miếng SJC trong nước lại vẫn tăng giá? Nhiều lý do được các chuyên gia phân tích và đưa ra giải pháp gấp rút để bình ổn thị trường vàng hiện nay.

Ngày 9/5, giá vàng miếng SJC trong nước lập đỉnh mới: 89,5 triệu đồng/lượng. Đầu giờ sáng nay (10/5), kỷ lục này bị xô đổ rất nhanh khi vàng tăng vọt thêm 1 triệu đồng mỗi lượng, lên mức 90,5 triệu.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Sau 5 phiên đấu thầu, có hai phiên đấu thành công, tổng cộng cung ứng ra thị trường 6.800 lượng vàng SJC.

Câu hỏi đặt ra, tại sao đã đấu thầu nhằm tăng cung, can thiệp thị trường, giá vàng miếng SJC trong nước lại vẫn tăng giá mạnh?

Lý do càng đấu thầu, giá vàng SJC càng tăng

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho hay, qua 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, chỉ 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng. Từ kết quả đó, cho thấy rằng, nguồn cung vàng hạn chế, trong khi nhu cầu vẫn nhiều, đến vài chục nghìn lượng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, do dự báo giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm vẫn có khả năng tăng lên mức 2.500-2.600 USD/ounce, nên người dân vẫn mua tích trữ. Cung không nhiều, trong khi cầu vẫn cứ tăng, vàng miếng càng ngày càng quý hiếm, dẫn đến giá càng cao - ông Khánh giải thích.

W-gia vang.jpg
Nghịch lý thị trường vàng, càng đấu thầu tăng cung, giá càng tăng cao. Ảnh: Minh Hiền

Ông Khánh cho biết, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, NHNN đã điều chỉnh số lượng tối thiểu đơn vị được đặt thầu, từ 1.400 lượng, xuống 700 lượng. Nhưng còn giá tham chiếu để đặt cọc, NHNN vẫn có quan điểm bán ra đúng giá, không bán dưới giá thị trường. Vì thế, mức giá tham chiếu ở ngưỡng cao hơn giá mua và thấp hơn giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

“Mục đích của NHNN đấu thầu vàng để tạo nguồn cung, chứ chưa đạt mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới. Chỉ cần mỗi lần NHNN đấu thầu bán giá 80 triệu đồng/lượng, các đơn vị sẽ mua hết, bán 2-3 lần với mức giá đó, giá vàng SJC trên thị trường sẽ lập tức xuống ngang bằng giá vàng nhẫn ngay”, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần trả lời mấy câu hỏi: Ai đang quyết định giá vàng trên thị trường? Liệu có cần phải kéo giá vàng trong nước xuống không?...

“Mục tiêu mang đấu thầu vàng chỉ là một công cụ, còn nhiều công cụ khác nữa. Và kéo giá thì kéo đi đâu, kéo về sát giá thế giới, đang ở khoảng 70-71 triệu đồng/lượng hay mục tiêu chỉ chênh với giá thế giới 5 triệu đồng/lượng? Mục tiêu phải rõ ràng!”, ông Ánh nói.

Bên cạnh đó, ông Ánh cho rằng, thời gian này khi giá vàng miếng SJC tăng cao, xu hướng người dân chuyển qua mua vàng nhẫn. Điều này dẫn tới thị trường khan vàng nhẫn đến mức người dân nộp tiền vào đợi vài ngày mới nhận được vàng.

“Rõ ràng kịch bản vàng miếng SJC tăng giá vọt như hiện nay là đang rất có lợi cho những người kinh doanh vàng nhẫn. Từ trước đến nay chỉ nói thiếu cung, nên giá vàng SJC tăng, nhưng đến khi đấu thầu tăng cung thì kết quả cho thấy thị trường không cần nguồn cung này. Liệu có vấn đề, vàng SJC lên chỉ là để tạo điều kiện tiêu thụ vàng nhẫn hay không? Tại sao lại buông lỏng quản lý vàng nhẫn, trong khi đó chính là một dạng tiền tệ. Vàng nhẫn không phải vàng trang sức mà là dạng “biến tướng”, tại sao lại bỏ mặc thị trường này?”, ông Ánh nêu nhiều câu hỏi.

Chuyên gia hiến kế giải pháp gấp rút

Cũng chia sẻ với VietNamNet, PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, đấu thầu vàng đều chỉ bán được 20%, “ế” đến 80% nên lượng cung vào thị trường còn quá ít. Chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới tăng cao vì cung - cầu mất cân đối. Trong khi giá tham chiếu để đặt cọc đấu thầu vàng lại đưa mức giá gần với giá thị trường tại thời điểm đấu thầu.

“Trong bối cảnh xu hướng giá vàng thế giới vẫn có nhiều dự báo tiếp tục xu hướng tăng cao. Do đó, nếu không kịp tăng cung ra thị trường, nếu mức giá đấu thầu luôn dựa theo giá thị trường hiện tại thì giá vàng miếng trong nước có thể lên mức 90 triệu đồng/lượng, là chuyện hiển nhiên”, ông Long nói.

Theo chuyên gia này, bất ổn của thị trường hiện nay là giá trong nước cách xa giá thế giới. Điều này, gây một số hệ lụy như buôn lậu vàng gia tăng, làm “chảy máu” ngoại tệ, thất thu thuế, môi trường kinh tế không lành mạnh… Từ bất ổn này dẫn tới ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong công điện của Thủ tướng từ cuối năm 2023, đến những văn bản gần đây của Chính phủ đều yêu cầu làm sao phải bình ổn thị trường vàng, trong đó giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thế nhưng, hiện nay giá vàng SJC vẫn lên, chênh lệch thế giới lớn, lên đến 16 triệu đồng/lượng.

“Điều này buộc NHNN cần xem xét lại, bởi qua 5 lần đấu thầu, chỉ có 2 lần có đơn vị trúng thầu… mang hàng đi bán nhưng “ế”, tức là không thành công, cần xem xét để thay đổi.
Chẳng hạn, hạ số lượng tối thiểu đơn vị được đặt thầu xuống chỉ còn 500 lượng. Nhất là, có thể xem xét đưa giá tham chiếu dưới mức giá thị trường trong nước, còn cụ thể giá bao nhiêu thì tính theo từng phiên”, ông Long đề xuất.

Cùng với đó, ông Long nhấn mạnh, điều quan trọng nhất cần sửa cấp tốc, thay thế ngay Nghị định 24 (về quản lý thị trường vàng - PV), điều này đã được bàn thảo từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện.

>> Giá vàng hôm nay 11/5: tiếp tục tăng “nóng”, SJC tăng đến hơn 3 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 11/5: tiếp tục tăng “nóng”, SJC tăng đến hơn 3 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng, tiến tới mốc 100 triệu ngay trước mắt?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/gia-vang-sjc-vuot-90-trieu-dong-chuyen-gia-de-xuat-nhieu-giai-phap-gap-rut-2279007.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá vàng SJC vượt 90 triệu đồng, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp gấp rút
    POWERED BY ONECMS & INTECH