Giá vàng thế giới vẫn đà tăng, xu hướng giá ra sao trong ngắn hạn?
Giá vàng thế giới tăng vọt trong phiên sáng 20/5 trên thị trường châu Á và lập đỉnh cao mới, trên 2.430 USD/ounce. Giá vàng được dự báo còn diễn biến phức tạp theo tình hình thế giới.
Ngay đầu giờ sáng 20/5, thị trường vàng thế giới lại chứng kiến một cú bứt phá mạnh trong bối cảnh đồng USD vẫn khá yếu và giới đầu tư đón nhận thông tin trực thăng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn và các nỗ lực tìm kiếm chưa thành.
Tính tới 9h sáng 20/5, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tăng vọt thêm 20 USD lên ngưỡng 2.435 USD/ounce. Đây là mức giá cao kỷ lục mới, so với đỉnh cao 2.430 USD/ounce ghi nhận vào cuối phiên 12/4 trên thị trường Mỹ.
Đà tăng giá của vàng trên thị trường quốc tế được duy trì sau khi giá vượt ngưỡng cản quan trọng 2.400 USD/ounce vào cuối tuần trước khi giới đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất sớm hơn.
Trong phiên 17/4, giá vàng quốc tế tăng vọt thêm 30 USD/ounce và trở lại trên mốc 2.400 USD/ounce - mức cao nhất trong 3 tuần.
Vàng tăng mạnh trong vài phiên gần đây sau khi nước Mỹ đón nhận thông tin lạm phát hạ nhiệt. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 4, thấp hơn mức tăng của tháng trước và thấp hơn dự báo tăng 0,4% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Thông tin lạm phát Mỹ hạ nhiệt đã khiến giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng trung ương Mỹ dễ đưa ra quyết sách tiền tệ trong thời gian tới hơn. Khả năng rất cao Fed sẽ có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong cuộc họp tháng 9, thay vì trì hoãn tới cuối năm, thậm chí sang năm 2025.
Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt đã giảm đáng kể từ 106,3 điểm cuối tháng 4, hiện xuống còn 104,5 điểm.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trên Kitco nhận định, giá vàng thế giới được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, giá vàng sẽ tiếp tục tăng do yếu tố địa chính trị và nhu cầu của các thị trường mới nổi.
Xung đột tại Ukraine vẫn có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, tại Trung Đông, tình hình tiếp tục căng thẳng. Căng thẳng giữa Israel và Hamas có xu hướng leo thang. Cuối tuần trước, Israel tăng quân đến Rafah và tiến vào thành trì của lực lượng Hamas (nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine) ở bắc Gaza.
Quan hệ giữa Israel và Iran cũng khá xấu. Trước đó, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei - ông Kamal Kharrazi - cho biết Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi học thuyết hạt nhân của mình trước mối đe dọa từ Israel. Điều này được hiểu là Iran sẽ tạo bom hạt nhân nếu bị Israel đe dọa.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức lãnh đạo vùng lãnh thổ này. Bà Tiêu Mỹ Cầm là cấp phó. Cả 2 tuyên thệ nhậm chức sáng ngày 20/5.
Vàng sẽ lên 2.500 USD/ounce?
Theo WB, giá vàng gần đây được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ từ một số ngân hàng trung ương các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE). Bên cạnh đó là hoạt động gia tăng trong các quỹ ETF ở Trung Quốc.
Trên thực tế, vàng thường được chọn là kênh cất trữ tài sản trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát cao hoặc/và bất ổn địa chính trị gia tăng.
Ngân hàng trung ương các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đẩy mạnh mua vàng trong nhiều năm qua. Trung Quốc ghi nhận tháng mua ròng thứ 18 liên tiếp trong tháng 4 vừa qua.
Trong nước, giá vàng sáng 20/5 tăng mạnh. Giá vàng miếng SJC tăng thêm 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng lên 88,6 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 90,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng nhẫn trơn cũng đột loạt tăng mạnh thêm 200-400 nghìn đồng/lượng lên 77,3-77,3-77,8 triệu đồng/lượng (giá bán ra).
Giá vàng thế giới được dự báo đang trên đà tăng và có thể đạt 2.500 USD/ounce ngay trong tuần này, không chỉ nhờ kỳ vọng Fed cắt lãi suất mà nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Theo Sean Lusk đến từ Walsh Trading, tình trạng nợ nần cao cùng với hoạt động in tiền nhanh của nhiều ngân hàng trung ương cũng như bất ổn trên thế giới sẽ đẩy dòng tiền vào kim loại quý và các hàng hóa khác.
Bên cạnh đó, thế giới đang ở trong một năm có nhiều cuộc vận động tranh cử quan trọng ở nhiều nước. Sẽ có những bất ổn và do vậy, vàng sẽ là mặt hàng được hưởng lợi.
Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không cần phải tăng lãi suất nữa. Điều này có nghĩa là chu kỳ thắt chặt đã kết thúc và nước Mỹ sắp bước vào một chu kỳ nới lỏng. Vàng sẽ có thêm cơ hội bứt phá khi USD và lãi suất tại Mỹ suy giảm.
Theo khảo sát của Kitco, có 79% chuyên gia trên Phố Wall dự báo vàng sẽ tăng giá trong tuần này, chỉ có 14% dự báo vàng đi xuống.
Việc bình ổn thị trường vàng trong nước được các chuyên gia quan tâm, nêu nhiều giải pháp. GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để lấy giá vàng thế giới, cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu. Ai càng bỏ giá thấp thì sẽ thắng thầu. Tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa chiều 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Giải pháp được lãnh đạo Chính phủ nhắc tới gồm tăng thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm. NHNN phải tiếp tục rà soát Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/6, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép. |
>> Giá vàng liên tục phá đỉnh, ‘ngồi trên đống lửa’ vì vay vàng mua nhà
Giá vàng hôm nay 20/5/2024 nóng rẫy, SJC mua vào tăng gần 1 triệu đồng
Giá vàng liên tục phá đỉnh, ‘ngồi trên đống lửa’ vì vay vàng mua nhà