Giá xăng dầu hôm nay 25/3/2024 trên thị trường quốc tế được dự báo tiếp tục đi xuống theo đà giảm của 3 phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuần qua, giá dầu Brent tăng nhẹ còn giá dầu WTI giảm nhẹ.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 25/3/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 25/3 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 21/3.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo hướng tăng mạnh giá xăng.
Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên mức 23.210 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng lên 24.280 đồng/lít.
Trong khi đó, giá bán lẻ dầu diesel tăng lên 21.010 đồng/lít. Còn giá dầu hoả lên mức 21.260 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.280 | + 740 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.210 | + 720 |
Dầu diesel | 21.010 | + 470 |
Dầu hỏa | 21.260 | + 560 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 25/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 25/3 có thể nối dài đà giảm của 3 phiên giao dịch cuối tuần trước.
Giá xăng dầu thế giới tuần qua ghi nhận một tuần diễn biến trái chiều với Brent tăng nhẹ còn dầu WTI giảm nhẹ.
Yếu tố chủ yếu tác động đến biến động giá dầu tuần qua là sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm, các nhà máy lọc dầu của Nga giảm công suất và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần qua, giá dầu bật tăng khoảng 2%. Giá dầu trong phiên này nhận được sự hỗ trợ bởi sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh hơn.
Đà tăng của giá dầu tiếp diễn ở phiên giao dịch thứ hai của tuần qua. Kết phiên này, giá dầu Brent tăng lên 87,38 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng gần 5 tháng. Giá dầu WTI cũng tăng lên 83,47 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023.
Giá dầu tiếp tục đi lên bởi các nhà giao dịch cho rằng những cuộc tấn công gần đây vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu toàn cầu. Theo tính toán của Reuters, các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã làm giảm 7% công suất lọc dầu của Nga, tương đương khoảng 370.500 thùng dầu mỗi ngày.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không thể duy trì ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần qua. Quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% của Fed đã đẩy giá dầu đi xuống. Bởi nhiều người lo ngại lãi suất tại Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và có thể hạn chế nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.
Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Đà giảm của giá dầu kéo dài sang 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua. Kỳ vọng ngừng bắn ở Gaza và dữ liệu nhu cầu xăng dầu yếu hơn của Mỹ tiếp tục đẩy giá xăng dầu lao dốc.
Như vậy, với 2 phiên tăng cao, 3 phiên giảm nhẹ, giá dầu tuần qua đánh dấu tuần trái chiều. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 0,09 USD/thùng trong khi giá dầu WTI giảm 0,41 USD/thùng.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được chốt ở mức 85,43 USD/thùng, giá dầu WTI kết tuần ở mức 80,63 USD/thùng.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít