Giá xăng dầu hôm nay 7/8: Xu hướng đi lên sau 6 tuần tăng liên tiếp
Giá xăng dầu hôm nay 7/8 trên thị trường thế giới có xu hướng đi lên sau 6 tuần tăng liên tiếp. Giá dầu Brent đã vượt 86 USD/thùng, giá dầu WTI tiến sát mức 83 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đều đạt mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 7/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng lên mức 23.960 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II lên mức 22.790 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng ở mức 20.610 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 20.270 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.960 | + 1.170 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.790 | + 1.160 |
Dầu diesel | 20.610 | + 1.110 |
Dầu hỏa | 20.270 | + 1.090 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 7/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 7/8 được cho có xu hướng tiếp tục đi lên sau 6 tuần tăng liên tiếp.
Tuần qua, mặc dù có những thời điểm lao dốc nhưng giá xăng dầu thế giới đã ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài hơi nhất của giá dầu kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng tới 3 phiên và giảm 2 phiên. Tâm lý lo ngại về nguồn cung là nhân tố chủ yếu chi phối diễn biến của giá dầu thế giới trong tuần qua.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 3 tháng đồng thời ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1/2022. Giá dầu tăng nhờ các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt và nhu cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, giá dầu được thúc đẩy bởi dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 7.
Tuy nhiên, hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư đã đẩy giá dầu đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó. Thêm vào đó, việc Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+ đã khiến hoạt động mua dầu của các thương nhân chững lại. Bên cạnh đó, sự mạnh lên của đồng USD và khả năng tiếp tục tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kéo giá dầu trượt dốc.
Sau hai phiên giảm liên tiếp, giá dầu đã tăng hơn 3% ở hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Chính cam kết về cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga đã hỗ trợ giá dầu.
Ngày 3/8, Saudi Arabia đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 9, đồng thời để ngỏ khả năng gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thêm một lần nữa. Trong khi đó, Nga cũng quyết định giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng 9 tới.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu thô Brent tăng lên 86,24 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI tiến lên 82,82 mức USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đều đạt mức giá cao nhất kể từ giữa tháng 4.
Việc các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 9 làm tăng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Đây là nhân tố tiếp tục đẩy giá xăng dầu tăng.
Các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Với việc cắt giảm sản lượng kéo dài, dự đoán thị trường sẽ thâm hụt hơn 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, sau mức thâm hụt ước tính khoảng 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8".
Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent sẽ giao dịch trong khoảng từ 85-90 USD/thùng trong những tháng tới.