Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang ngày càng đến gần, một số lãnh đạo bệnh viện tuyến huyện ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho biết họ chỉ mong có đủ tài chính trả lương cho cán bộ, nhân viên chưa mong chờ tới khoản tiền thưởng Tết.
Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Mê (Hà Giang), cho biết tính toán từ đầu năm đến nay, bệnh viện phải tự chủ 35% tài chính nên gặp nhiều khó khăn. "Không đủ trả lương cho nhân viên, nói gì tới thưởng Tết", vị lãnh đạo này buồn bã cho biết.
Đây không phải năm đầu tiên bệnh viện đối diện với tình trạng này. "Mấy năm qua, do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, các bệnh viện hoạt động khó khăn, đặc biệt là phải tự chủ tài chính một phần, trong khi đó, trang thiết bị hiện đại lại còn thiếu nên chúng tôi không thể triển khai được các dịch vụ khác", ông nói.
Năm nay, bệnh viện đang cố gắng tính toán các khoản thu, chi và cố gắng chia cho nhân viên mỗi người khoảng 500.000-1.000.000 đồng. "Đây là quà Tết chứ không thể nói là thưởng. Số tiền này chỉ mang tính chất tượng trưng, động viên", vị giám đốc chia sẻ.
Với khoảng 80 cán bộ, nhân viên, Bệnh viện đa khoa Bắc Mê chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân là người dân trong huyện, chỉ khám chữa bệnh theo BHYT, khó thu hút người bệnh vì gần thành phố Hà Giang.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc, một lãnh đạo bệnh viện cũng chia sẻ: "Không có thưởng Tết". Bệnh viện này phải tự chủ khoảng 40% tài chính, lo kinh phí trang trải lương cho cán bộ công nhân viên. Lãnh đạo bệnh viện cũng trăn trở: "Thưởng Tết để khuyến khích, động viên cán bộ nhân viên làm việc nhưng cái khó bó cái khôn".
Trước đây, khi bệnh viện chưa tự chủ tài chính, huyện sẽ cung ứng cho một phần, y bác sĩ có thể nhận tháng lương thứ 13. Khi bệnh viện tự chủ một phần tài chính, phần kinh phí này không còn. Vừa qua, nhân dịp Tết Dương lịch, cán bộ, nhân viên tại đây được thưởng 500.000 đồng.
Một bác sĩ cũng làm việc tại bệnh viện này chia sẻ năm ngoái, anh được thưởng 1 triệu đồng, còn năm nay thì "chưa biết tình hình sẽ như thế nào".
Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc hiện có 75 cán bộ bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, khối hành chính, điện nước. Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận khám cho 100 bệnh nhân. Số bệnh nhân nằm viện khoảng 152 người.
Cùng chung cảnh ngộ "thu không đủ bù chi", bác sĩ Nguyễn Quyết Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế Hạ Lang (Cao Bằng) cho biết trong kỳ nghỉ Tết Âm lịch, nhân viên y tế của bệnh viện đều được nhận 500.000 đồng. Đây là mức dành cho tất cả mọi người từ giám đốc tới lái xe, bảo vệ.
Ngoài ra, trung tâm y tế này đang tự chủ 10%, mỗi năm, quỹ phúc lợi của bệnh viện chi trả lương tăng thêm cho cán bộ, nhân viên. Năm 2022, người có thu nhập tăng thêm cao nhất tại đây là hơn 10 triệu đồng. Thu nhập này tại một số bệnh viện được trả hằng tháng.
Tuy nhiên, ở Trung tâm Y tế Hạ Lang, do số tiền rất ít nên bệnh viện gộp cuối năm chi trả 1 lần, tùy theo từng vị trí công việc. Do đó, đây không thể gọi là thưởng Tết. Dù vậy, khoản tiền này giúp nhân viên y tế cũng có thể mua sắm Tết cơ bản. Năm nay, trung tâm chưa tính toán được các khoản tăng thêm này.
Một lãnh đạo bệnh viện huyện tại Sơn La cho biết bệnh viện tự chủ về tài chính nên rất khó khăn và không có thưởng Tết. Năm 2023, mỗi nhân viên y tế được nhận quà Tết trị giá 800 nghìn đồng. Năm nay cũng tương tự như vậy.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, theo bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện, cơ sở tự chủ chi 100%. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh, đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại nên có nguồn thu và có thưởng Tết. Dự kiến, mỗi nhân viên y tế trung bình khoảng 2 triệu đồng/người.
Một hãng hàng không gây sốc với mức thưởng Tết cao chót vót lên tới...14 tháng lương
Soi mức thưởng tết của các doanh nghiệp bất động sản Việt năm 2024