Thế giới Di động (MWG) vực dậy mạnh mẽ: ‘Ngày trở về’ cho cựu nhân viên, mức thưởng Tết cho lao động ước tính tăng 171%
Lựa chọn thích nghi với bối cảnh kinh doanh đã và đang thay đổi, năm 2024, Thế giới Di động (MWG) quyết liệt tái cấu trúc, mạnh tay khai tử các mô hình không hiệu quả và dồn lực cho mảng tiềm năng.
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%). Kết quả này không chỉ đạt mục tiêu đề ra mà còn phản ánh sức bật của thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức.
Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2024 là các doanh nghiệp đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động sau quãng thời gian khó khăn kéo dài từ đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có hơn 79% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023). Cùng với đó là tăng cường liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp chuỗi logistics nhằm hướng tới mục tiêu bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại cũng được quan tâm, đặc biệt là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại và đảm bảo an toàn.
Sự phục hồi của ngành bán lẻ cũng được thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán. Năm 2024, chứng khoán Việt Nam kết thúc với nhiều biến động khi đối mặt với áp lực từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Dù dòng vốn ngoại rút ròng kỷ lục và thị trường Mỹ thu hút sự chú ý, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 1.266,78 điểm vào cuối năm. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng và dòng vốn đầu tư.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) - một trong những doanh nghiệp top đầu đã vực dậy mạnh mẽ sau "mùa đông khắc nghiệt" của ngành bán lẻ. Năm qua, Thế giới Di Động tạo dấu ấn với kết quả kinh doanh tích cực và sự bứt phá của MWG trên thị trường chứng khoán. Đó là thành quả của sự nỗ lực "giảm lượng - tăng chất" - tập trung tối ưu hóa hiệu quả hoạt động bằng cách cắt giảm các cửa hàng kém hiệu quả, đồng thời gia tăng doanh thu trên từng cửa hàng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online.
Cổ phiếu bứt phá
Trong năm 2024, cổ phiếu MWG tăng gần 37% lên mức 60.720 đồng/cp (đóng cửa phiên giao dịch 31/12), vượt xa mức tăng trưởng của thị trường chung VN-Index (12,11%).
Đáng chú ý, MWG chính thức trở lại rổ VN-Diamond trong kỳ cơ cấu tháng 10/2024. Trước đó, trong kỳ review vào tháng 4, cổ phiếu MWG bị loại khỏi danh mục VNDiamond kỳ quý II. Nguyên nhân có thể lý giải là do công ty không đáp ứng được tiêu chí P/E (lợi nhuận cả năm 2023 sụt giảm mạnh đến 96% so với cùng kỳ khiến P/E của MWG tăng cao vượt mức cho phép).
"Ông lớn" trở lại cuộc đua bán lẻ với sự khởi sắc tại mọi mảng cốt lõi
Thế giới Di động đã công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2024 với doanh thu thuần đạt 122.298 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và hoàn thành 98% mục tiêu cả năm. Trong đó, đóng góp lớn nhất đến từ chuỗi Điện Máy Xanh, chiếm 44,4% tổng doanh thu, tiếp theo là chuỗi Bách Hóa Xanh với tỷ trọng 30,6% và chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) chiếm 22,4%.
Đối với 2 chuỗi chủ lực Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh, tổng doanh thu 11 tháng đạt 81.700 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 11, doanh thu của 2 chuỗi này đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng giảm 9% so với tháng trước.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, lũy kế 11 tháng ghi nhận doanh thu gần 37.400 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ, nhờ vào sự phát triển của các ngành hàng tươi sống và FMCG. Riêng tháng 11, doanh thu của chuỗi này đạt hơn 3.500 tỷ đồng, bình quân trên mỗi cửa hàng thu hơn 2 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 11, số lượng cửa hàng của MWG vẫn giữ nguyên so với tháng trước với 1.022 cửa hàng Thế giới Di động (bao gồm Topzone), 2.030 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.735 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 326 nhà thuốc An Khang và 62 cửa hàng AVAKids. Tuy nhiên, chuỗi EraBlue tại Indonesia đã mở thêm 2 cửa hàng trong tháng 11, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi này lên 82.
Bách Hóa Xanh tìm thấy “long mạch”, bước vào giai đoạn tăng tốc
Chuỗi Bách Hóa Xanh đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên ghi nhận lãi 7 tỷ đồng trong quý II/2024, chấm dứt chuỗi 9 năm thua lỗ liên tục, kể từ khi ra đời vào năm 2015. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng cũng đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ đồng/tháng, vượt xa mức hòa vốn 1,8 tỷ đồng/tháng. Đây là mức doanh số cao nhất kể từ khi chuỗi được thành lập, ngoại trừ thời kỳ dịch Covid-19 vào tháng 7/2021. Sang quý III, chuỗi bán lẻ tạp hoá này tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận ròng lên mức 0,8%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ sự bứt phá của mảng thực phẩm tươi sống, đóng góp đến 40% tổng doanh số.
Ban lãnh đạo Thế giới Di động đánh giá nhóm các mặt hàng tươi sống được xem là “chìa khóa” giúp Bách Hóa Xanh gia tăng số lượt khách hàng mua sắm. Trong những tháng vừa qua, Bách Hóa Xanh đã mở rộng việc bán thực phẩm tươi sống có thương hiệu (thịt của C.P Food, hải sản của Navico) thay vì thực phẩm không có thương hiệu.
Đáng chú ý, tại cuộc họp nhà đầu tư diễn ra vào ngày 11/11, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh, ông Phạm Văn Trọng, cũng tiết lộ Bách Hóa Xanh đã tìm ra "công thức" mở mới hiệu quả, từ tài chính, mặt bằng, nhân sự đến cơ sở vật chất. Ngay khi tìm được công thức đúng cho Bách Hóa Xanh, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài đã bày tỏ ý định thử nghiệm mở cửa hàng tại miền Bắc. Theo ông Tài, dù chưa có kế hoạch mở rộng ồ ạt ra miền Bắc vào năm 2025, nhưng Bách Hóa Xanh đang trong giai đoạn cân nhắc nhằm đánh giá tiềm năng tăng trưởng tại khu vực này.
EraBlue – Nảy mầm sớm trên đất Indonesia màu mỡ
Chỉ sau khoảng 18 tháng gia nhập thị trường Indonesia, chuỗi EraBlue đã vượt điểm hòa vốn và có lãi trong vòng 5 tháng liên tiếp. Lãnh đạo Thế giới Di động đánh giá EraBlue hiện đã trở thành chuỗi bán lẻ điện máy theo mô hình hiện đại lớn nhất tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. “So với tất cả các chuỗi đàn anh trước đó, để mở ra đạt điểm hòa vốn và có lời phải mất nhiều năm nhưng với EraBlue thì chúng tôi chỉ cần 1,5 năm là đạt được kết quả này”, ông Đoàn Văn Hiểu Em – Thành viên HĐQT Thế giới Di động nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 2/8, Thế giới Di động và đối tác Erajaya đã tổ chức buổi gặp mặt để thảo luận về những bước phát triển tiếp theo cho liên doanh EraBlue. Cả hai bên thống nhất mục tiêu đạt lợi nhuận ở cấp độ công ty trước quý IV/2024, dựa trên những tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh hiện tại. Định hướng này mở đường cho quá trình mở rộng mạnh mẽ của EraBlue trong năm nay và các năm tiếp theo.
EraBlue đặt kế hoạch tăng số lượng cửa hàng lên gần 100 vào cuối năm 2024 và 500 cửa hàng vào năm 2027. Kế hoạch IPO cũng đã được định hướng vào giai đoạn 2026-2027.
Hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động sẽ hoạt động như cây ATM
Ngày 4/12/2024, Thế giới Di động chính thức biến hơn 3.000 cửa hàng thành cây ATM thông qua việc hợp tác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB). Hai bên đã ký kết thỏa thuận triển khai mô hình đại lý thanh toán lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, theo quyết định số 666/QĐ-TTGSNH2 của Ngân hàng Nhà nước.
Việc triển khai mô hình đại lý thanh toán không chỉ mang lại doanh thu mà còn giúp chuỗi bán lẻ thu hút khách hàng đến cửa hàng nhiều hơn, từ đó gia tăng giá trị các sản phẩm, dịch vụ đi kèm. Mô hình đại lý thanh toán được đánh giá cao khi mang lại giải pháp tài chính hữu ích cho những khách hàng sinh sống và làm việc tại những khu vực chưa có chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch, ATM hoặc CDM.
Chỉ sau 1 tháng vận hành, hệ thống đã ghi nhận 150.000 giao dịch nạp, rút, chuyển tiền với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. CEO Đoàn Văn Hiểu Em kỳ vọng số lượng giao dịch sẽ tăng mạnh khi mô hình này tiếp tục được triển khai ổn định.
"Bắt tay" Xiaomi, Thế Giới Di Động tham vọng gia nhập cuộc đua xe điện
Ngày 9/12, Facebook cá nhân của ông Đoàn Văn Hiểu Em có chia sẻ về việc ông Lu Weibing, Chủ tịch Kinh doanh khối ngoại Xiaomi toàn cầu, đến thăm và làm việc tại doanh nghiệp.
"Hai bên cùng nhau nhìn lại kết quả năm 2024 với mục tiêu 1,5 triệu máy smartphone đã đạt được, đặt ra mục tiêu cho 2025, cũng như mở ra những cơ hội hợp tác mới trong việc thúc đẩy các sản phẩm IoT, điện máy và xe điện trong tương lai" – ông Hiểu Em chia sẻ.
Xiaomi là công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện thoại thông minh. Hiện tại, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới, với lượng hàng xuất xưởng là 42,8 triệu chiếc trong quý III/2024, tăng 3% so với cùng kỳ, chiếm 14% thị phần (theo Canalys). Cuối tháng 3/2021, Xiaomi bất ngờ thông báo sẽ phát triển ô tô điện và dự kiến ra mắt trong năm 2024. Coi đây là startup cuối cùng trong cuộc đời mình, tỷ phú Lei Jun nhà sáng lập Xiaomi cho biết tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong vòng 10 năm để sản xuất xe điện.
“Khai tử” loạt công ty con hoạt động không hiệu quả
Giữa tháng 8, Thế giới Di động đã thông qua quyết định giải thể CTCP Thế Giới Số Trần Anh nhằm mục tiêu tối ưu hóa hoạt động vận hành. Trần Anh là một chuỗi siêu thị điện máy và đã được Thế giới Di động chính thức thâu tóm vào đầu năm 2018. Vào thời điểm diễn ra cuộc sáp nhập, Trần Anh có doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi năm, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp MWG mở rộng thị phần tại khu vực Hà Nội và phía Bắc. Theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 6/2024, MWG ghi nhận khoản đầu tư gần 861 tỷ đồng, tương đương hơn 99,3% cổ phần tại Trần Anh.
Trước đó vài tháng, Thế giới Di động cũng đã giải thể 2 công ty con khác là Logistics Toàn Tín (thành lập năm 2021) và 4K Farm (thành lập năm 2020). Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư quý I năm nay, Chủ tịch Thế giới Di động - ông Nguyễn Đức Tài - chia sẻ rằng việc giải thể các công ty con không hiệu quả như Toàn Tín và 4K Farm là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc mà công ty đang triển khai. Các lãnh đạo MWG gọi chiến lược này là “giảm lượng - tăng chất”.
Quá trình tái cấu trúc đã hoàn thành, Thế giới Di động “bất ngờ” chiêu mộ nhân sự
Giữa tháng 9/2024, trên trang web “Tuyển dụng Thế giới Di động” bất ngờ đăng tải thông tin về chương trình “Ngày trở về” dành cho các cựu nhân viên MWG muốn quay trở lại làm việc tại khối siêu thị. Trong nội dung có chia sẻ rằng, sự phát triển của Thế giới Di động hôm nay không thể thiếu những đóng góp từ đội ngũ nhân sự cũ. Do đó, công ty mong muốn cùng họ viết tiếp hành trình phát triển trong một môi trường mới, đổi mới và không ngừng nâng cao. “Chúng tôi hiểu rằng mỗi người có những hành trình riêng, nhưng MWG vẫn luôn là nơi bạn có thể quay về - nơi có những đồng đội cũ, những mục tiêu chung và cả những giấc mơ dang dở để tiếp tục cùng nhau thực hiện”, thông tin trên trang web nhấn mạnh.
Động thái này diễn ra sau khi Thế giới Di động mạnh tay cắt giảm lao động. Chỉ trong vòng 2 năm, quy mô nhân sự của công ty đã giảm mạnh với mức cắt giảm lên tới 19.188 người. Tính đến thời điểm 30/9/2024, số lượng nhân viên của Thế giới Di động là 60.258 người.
Đáng chú ý, tính đến hết quý III/2024, quỹ thưởng cho nhân viên của công ty lên đến 1.689 tỷ đồng, khoản tiền tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải về mức thưởng đột biến này, tại cuộc họp về tình hình kinh doanh quý III, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính của MWG, cho biết công ty đã quyết định trích trước khoản thưởng cuối năm để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên. Ông nhấn mạnh đây là "việc cần làm và nên làm" nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty trong dài hạn.
Năm 2023, Thế Giới Di Động chỉ thưởng cho nhân viên mức tối thiểu tương đương một tháng lương do tình hình kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, năm 2024, nhờ kết quả kinh doanh khả quan hơn, công ty quyết định tăng quỹ thưởng đáng kể để động viên đội ngũ nhân viên hiện có. Theo tính toán, mức thưởng Tết trung bình mỗi nhân viên năm 2024 có thể đạt tới 28 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức 10,3 triệu đồng vào năm ngoái, tương đương với 3 tháng lương.
Trong báo cáo Ngành Bán lẻ mới đây, Chứng khoán ABS dự báo đà tăng trưởng từ 2024 sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025 nhờ những chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thực thi trong năm 2025 khiến thu nhập người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng.
Cụ thể, chính sách thuế VAT 8% kích cầu tiêu dùng tiếp tục được gia hạn. Chính sách giảm 2% thuế GTGT từ 10% xuống 8% được gia hạn tới tháng 6/2025 đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 vào ngày 30/11/2024. Việc thực hiện giảm 2% thuế GTGT cho một số mặt hàng chịu thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong giai đoạn 2022-2024. Chính sách tiếp tục được gia hạn thực hiện trong nửa đầu năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ mục tiêu kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7% trong năm 2025, GDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 4.900 USD, tức tăng trưởng 5,4% so với con số được dự báo cho năm 2024 (4. 650 USD/người), cao hơn 1,9% so với mức lạm phát IMF dự báo cho năm 2025. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế của người dân tiếp tục tăng, từ đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng kỳ vọng khả quan trong năm 2025. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16%, cao hơn mục tiêu năm 2024, trong đó tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng lớn. Các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng để kích cầu tín dụng. Thêm vào đó, việc các tổ chức tín dụng hợp tác trực tiếp với các bên bán lẻ để cấp tín dụng cho người tiêu dùng sẽ gia tăng sự thuận lợi trong vay tiêu dùng và kích thích chi tiêu của người dân.
Trong bối cảnh đó, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng tăng trưởng năm 2025 của MWG sẽ được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính: (1) sự linh hoạt (chủ động đón sóng phục hồi của ngành bán lẻ, nhất là khi tái cấu trúc xong, MWG trở nên khỏe mạnh hơn), (2) sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế hỗ trợ tích cực cho MWG và (3) xu hướng đô thị hoá cũng tạo điều kiện cho nhà bán lẻ này phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh và Erablue trong thời gian tới.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), kết quả kinh doanh năm 2025 duy trì đà tăng trưởng 25% so với cùng kỳ ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận từ khi thành lập, nhờ Bách Hóa Xanh trở thành động lực tăng trưởng mới của MWG: (1) Thế giới Di động và Điện máy Xanh cải thiện biên hoạt động từ 3,6% lên 5-6%, nhờ chiến lược giảm lượng tăng chất, (2) Bách Hóa Xanh - bước đầu của chu kỳ tăng trưởng, ước ghi nhận lãi tại mức biên lợi nhuận sau thuế tăng 0,3% từ mức -3,1% (năm 2023) và nhân rộng mô hình hiệu quả kết hợp cải thiện biên lợi nhuận sau thuế, (3) tối ưu các mảng kinh doanh khác, kiểm soát hiệu quả dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh tích cực của Erablue.
Ngoài ra, điểm sáng trong trung hạn (năm 2026-2027) đến từ hiệu quả của chuỗi điện máy Erablue tại Indonesia đã ghi nhận lãi sau thuế từ quý III/2024 với 86 cửa hàng chỉ sau gần 2 năm hoạt động. BSC kỳ vọng Erablue sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận dương trong quý IV và bước đầu ghi nhận biên lợi nhuận gần 1% cho năm 2025 nhờ: (i) cộng hưởng kinh nghiệm phong phú của 2 tập đoàn bán lẻ hàng đầu là MWG và Erajaya, (ii) tư duy điều hành đồng nhất, nhận định cơ hội kinh doanh từ thị trường đại chúng còn phân mảnh, (iii) kế thừa ưu điểm của mô hình điện máy supermini với khả năng nhân rộng mô hình linh hoạt và dịch vụ giá trị gia tăng vượt trội phù hợp với nét đặc trưng về văn hóa và địa lý tại quốc gia vạn đảo.
Đáng chú ý, MWG đang là một trong những cổ phiếu được nhiều CTCK đưa ra nhận định tích cực trong năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận cao nhất lên tới hơn 40%. Theo Chứng khoán BIDV (BSC), giá cổ phiếu MWG chiết khấu về vùng hấp dẫn PE FW năm 2025 khoảng 18 lần – thấp hơn PE trung bình giai đoạn năm 2021-2024 - chưa phản ánh hết tiềm năng định giá của Bách Hóa Xanh trong giai đoạn năm 2024-2026.
>> Hàng vạn nhân sự nghỉ việc để lại cho Thế Giới Di Động khối tài sản với giá 'siêu hời'