Góc nhìn thị trường chứng khoán: Lực bán cạn kiệt, phe mua dùng dằng?
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE giảm phiên thứ 6 liên tiếp về mức thấp nhất sau hơn 5 tháng. Có vẻ như, phe bán đã hả hê?
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp tuần từ 25 - 29/9. Tuy nhiên, sau 2 phiên bán mạnh đầu tuần, lực cầu đỡ giá bắt đầu xuất hiện giúp thị trường thăng bằng lại tại vùng giá quanh 1.150 điểm.
VN-Index đóng tuần giảm thêm 3,2% về mức 1.154 cùng khối lượng giao dịch trung bình trên HOSE giảm mạnh gần 30% WoW, còn 17.000 tỷ đồng/phiên.
Xu hướng bán chốt lời vẫn diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành (đặc biệt là bất động sản, hóa chất và chứng khoán) trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại các hoạt động phát hành tín phiếu hút 90.000 tỷ đồng tiền về của Ngân hàng Nhà nước hay những dư âm từ các hoạt động call margin của một số công ty chứng khoán.
Dù không quá tiêu cực song nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có thêm tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp với 25/27 mã giảm giá.
Phiên giữa tuần (ngày 27/9), áp lực bán có dấu hiệu dịu lại, sau đó tìm được điểm cân bằng giữa cung và cầu quanh mốc 1.150 điểm giúp chỉ số đi ngang trong 2 phiên cuối tuần.
Về phương diện kỹ thuật, VN-Index có thời điểm điều chỉnh hơn 100 điểm về ngưỡng 1.12x - vùng hỗ trợ cuối tháng 6 - đầu tháng 7 trước khi lực cầu bắt đáy được kích hoạt (đặc biệt lại các cổ phiếu đã chiết khấu mạnh sau nhịp giảm trước đó). Lực cầu sau đó tiếp tục được duy trì trong khi áp lực bán dần cạn kiệt giúp tâm trạng nhà đầu tư dần ổn định trở lại.
Kết phiên giao dịch ngày 2/10, thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến đi ngang vùng giá 1.15x điểm cùng sự thận trọng giữa các phe tham chiến. Phe tăng/giảm giá trên toàn thị trường hôm nay diễn ra cân bằng với khoảng 460 mã tăng và 430 mã giảm giá. VN-Index tăng như không tăng, giảm như không giảm trong khi tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ vỏn vẹn 12.600 tỷ đồng - thấp nhất từ phiên 20/4.
Nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể "về bờ" sau nhịp giảm nhanh và dứt khoát của thị tường 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, cơ hội mua tích lũy cũng phần nào mở ra ở một số cổ phiếu tiềm năng, cổ phiếu tăng trưởng trong bối cảnh VN-Index đang vào pha tích lũy.
Tất nhiên, vẫn có khả năng diễn biến thị trường hiện tại vẫn tiềm ẩn rủi ro BearTrap và việc nhà đầu tư mở vị thế mua thời điểm hiện tại vẫn có thể nhận trái đắng.
Tại vùng giá 1.15x, giới phân tích cho rằng những rủi ro vẫn có thể xảy ra - nhất là một số ý kiến cho rằng NHNN vẫn còn cơ sở để hút thêm tiền về.
Tuy nhiên, VN-Index có thể tiến đến ngưỡng kháng cự tại 1.170 điểm - vùng đáy cũ giữa tháng 8 vừa qua. Trong trường hợp thị trường diễn biến tích cực, chỉ số có thể test lại ngưỡng kháng cự 1.200 điểm.
Lịch sử VN-Index các tháng 10:
Tháng 10 năm ngoái, VN-Index giảm 9,2% từ mức 1.132 về 1.028 điểm và tiệm cận cuối nhịp điều chỉnh (hình thành đáy 874 điểm phiên 16/11).
Tính chung trong lịch sử thị trường chứng khoán, VN-Index có 12 năm tăng điểm và 11 năm giảm điểm trong các tháng 10; mức tăng mạnh nhất được ghi nhận là 16,68% năm 2000 trong khi mức giảm mạnh nhất là 24,01% trong năm 2008 (năm suy thoái kinh tế toàn cầu).
Sang tháng 10 - tháng khởi đầu quý 4, nhà đầu tư vẫn có thể kì vọng vào những câu chuyện tích cực như: Chính sách tài khóa, đầu tư công được kỳ vọng thẩm thấu tối đa; xu hướng đầu tư, chi tiêu khu vực tư nhân kỳ vọng tăng tốc; câu chuyện vận hành hệ thống KRX và quyết tâm nâng hạng thị trường;...
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo sản lượng vượt mốc 5,7 triệu tấn trước thềm niêm yết trên HoSE
Doanh nghiệp sàn HoSE tạm ứng cổ tức 35% bằng tiền, cổ phiếu tăng gấp 3 lần