Hà Nội cấm xe máy năm 2030: Quyết tâm thôi chưa đủ!

12-07-2023 08:00|Minh Tuấn

Nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay thì mục tiêu đề xuất đến năm 2030 Hà Nội cấm xe máy chỉ là khẩu hiệu nằm trên giấy, còn thực tế khó mà thực hiện được.

Đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nội được cho khó khả thi - Ảnh: Quốc Tuấn

Giữa dịp nắng nóng đỉnh điểm của hè, xót con gái phải đi xe khách lên trường vất vả, tôi lấy xe chở con lên trường cho con bớt phải tay xách, nách mang chờ xe dưới nắng nóng.

Đi Hà Nội nhiều lần, tôi dùng kinh nghiệm tính toán thời điểm xuất phát từ Hải Phòng, thời gian ra khỏi cao tốc, thời điểm nào sẽ xuống các nút giao của đường vành đai 3, xem trước tình hình giao thông trên bản đồ, đến địa phận Hưng Yên là bật radio nghe tình hình giao thông Hà Nội.

Thế mà “chạy trời không khỏi nắng”, vẫn bị tắc chặt cứng trên đường vành đai 3. Đợi lâu suốt ruột quá, đến nút giao Nguyễn Trãi người viết lách xuống, đi xuyên qua nội đô và sa vào “mê hồn trận” với tình hình “tắc vẫn hoàn tắc”. Giữa nắng nóng mà trên đường người xe cứ như nêm cối, chen chân nhau trước các ngã ba, ngã tư khi có gặp đèn đỏ.

Trên nhiều tuyến phố vỉa hè vẫn tràn ngập các loại hàng quán như chưa từng có chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” rầm rộ một thời. Như bài báo trước tôi từng viết, để có vỉa hè thông thoáng thì chỉ có ý chí thôi là chưa đủ, vấn đề cốt lõi, gốc rễ của vỉa hè là lợi ích kinh tế. Vỉa hè cùng thói quen sử dụng xe máy chưa làm xong được thì khó mà dẹp nổi vỉa hè.

Hà Nội đất chật người đông, dân số cơ học tăng vùn vụt, mà cứ tiếp tục các chung cư, cao ốc mọc lên, vùng lõi luôn ô nhiễm, khói bụi, tắc đường. Đường tắc ngay từ trong đầu, khi sự quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố không được xây dựng trước, giờ là sự chắp vá, đắp điếm vào hạ tầng như cậu bé mới lớn phải mặc bộ quần áo cũ, cứ bung rách ra bùng bục dù có khéo vá đến thế nào. Nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay thì mục tiêu đề xuất đến năm 2030 Hà Nội cấm xe máy chỉ là khẩu hiệu nằm trên giấy, còn thực tế khó mà thực hiện được.

Xét thực tế, người dân sinh sống ở Hà Nội không phải ai cũng thích đi xe máy bởi trời nóng thì rát mặt, trời mưa thì ướt át, đường lụt thì hỏng xe, nhưng nếu không đi xe máy thì đi bằng gì? Ô tô thì tiền đâu để mua? Rồi chỗ đỗ, chỗ đậu đâu có tiện lợi? Chưa kể nếu tắc đường thì xe máy còn luồn lách lên vỉa hè chứ ô tô thì chỉ có ngồi mà vỗ vô lăng nhìn thời gian trôi qua làn khói bụi. Hệ thống xe buýt, xe điện trên cao vừa thiếu, vừa yếu, cái làn đường dành riêng xe buýt nhanh mà thành xe buýt chậm vì lãng phí không gian mặt đường, trong khi các phương tiện khác nép vào nhau mà “bò”.

Việc khó khả thi được cho xuất phát từ việc hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế và nguy cơ tăng đột biến lượng phương tiện ô tô cá nhân khi cấm xe máy - Ảnh minh họa

Nói người Việt lười đi bộ cũng đúng, nhưng cũng phải nói đến yếu tố thời tiết, khí hậu á nhiệt đới của miền Bắc khá khắc nghiệt khi mùa hè nóng oi, giữa trưa nắng thế này mà xách đồ nặng đi bộ chừng một cây số thì phải là người có sức khoẻ và rèn luyện thể chất thường xuyên chứ không có mà cảm nắng lăn quay ra đường. Mùa đông thì gió lạnh cũng gây ra cảm lạnh, xổ mũi, nhức đầu, chưa kể bất chợt gặp cơn mưa thì rất dễ bị ốm. Mùa nồm thì ẩm thấp ướt át, gây khó khăn cho việc đi bộ, kèm theo vỉa hè, lối đi bị lấn chiếm bằng sạch.

Bạn tôi ở Hà Nội đi tập thể dục buổi sáng mà vẫn phi xe máy đến công viên, tập xong lại lên xe phi về chứ không đi bộ ra công viên nổi vì vỉa hè chật chội, đường thì khói bụi. Mật độ xây dựng quá cao, các khu nhà cũ nằm trong những con ngõ, ngách chằng chịt, lộn xộn, chỉ có xe máy mới luồn lách vào được. Với thói quen ăn uống đồ tươi sống nên chỉ có xe máy mới đáp ứng được việc chống chân mua hàng ở chợ cóc. Phi xe lên vỉa hè là ăn sáng, cà phê, mua hàng lặt vặt… góp phần tăng doanh thu cho nền kinh tế vỉa hè.

Xe máy vẫn là phương tiện “bất ly thân”, “ngon, bổ, rẻ” thuận tiện đủ đường cho người dân Thủ đô, chưa kể đó là phương tiện mưu sinh của xe ôm, người giao hàng, vận chuyển hàng hoá góp phần lưu thông kinh tế.

Thủ phạm chính gây tắc đường rất tiếc không phải là xe máy mà là ô tô, chiếc xe hạng A cỡ nhỏ thôi cũng chiếm diện tích mặt đường bằng ít nhất 4 chiếc xe. Vậy nên tại sao cứ nhằm vào xe máy để cấm, hãy thí điểm cấm ô tô vào một ngày cuối tuần, xem xét các vấn đề phát sinh, phân tích đánh giá rồi tìm ra phương án thích hợp.

Để thực hiện được việc cấm xe máy cần đạt được 2/3 sự đồng thuận của người dân, khi họ quyết tâm ủng hộ chính quyền loại bỏ xe máy khi tham gia giao thông, cùng sự quyết tâm cứng rắn của hệ thống chính trị, quyết tâm làm đến cùng.

Các phương án, giải pháp này vẫn chỉ là chống cháy, giải quyết phần ngọn. Muốn giải quyết vấn đề vấn đề xe máy và tắc đường triệt để thì chỉ có cách là làm cho người dân không còn muốn sử dụng xe máy nữa, thấy xe máy là phương tiện không an toàn, gây khói bụi, ô nhiễm nhiều bất tiện.

Mà để làm được điều này chỉ có cách là giãn dân ra khỏi vùng lõi, xoá bỏ các khu dân cư chật chội, xuống cấp trong nội đô quy hoạch thành công viên, bãi đỗ xe. Di dời các cơ sở bệnh viện lớn, các trường đại học đông sinh viên ra ngoại ô, không cho xây chung cư, cao ốc ở khu vực trung tâm. Quy hoạch các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội với sự kết nối giao thông đồng bộ hoàn chỉnh mạng lưới xe buýt, xe điện, ngoài xe điện trên cao phải làm được hệ thống giao thông tàu điện ngầm. Có tàu điện ngầm liên thông kết nối các đầu mối giao thông người dân sẽ đi bộ  thay vì đi xe máy. Còn nếu chỉ mỗi quyết tâm thôi e rằng chưa đủ.

Hà Nội cấm xe máy cũ, ô tô, xe buýt chạy dầu trong vùng phát thải thấp

Việt Nam là quốc gia sử dụng xe máy thuộc hàng cao nhất thế giới

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/ha-noi-cam-xe-may-nam-2030-quyet-tam-thoi-chua-du-247226.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Nội cấm xe máy năm 2030: Quyết tâm thôi chưa đủ!
    POWERED BY ONECMS & INTECH