Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý kinh doanh vỉa hè, có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp...
Vỉa hè, lòng đường luôn là nơi “nóng bỏng” về vi phạm trật tự đô thị. Dù đóng vai trò là lối dành riêng cho người đi bộ, nhưng thực thế tại Thủ đô cho thấy, vỉa hè ở hầu khắp các tuyến phố đang hoán đổi thành nơi kinh doanh, thu lợi cho một bộ phận cá nhân.
Người dân thành phố ngày ngày luôn phải chứng kiến cảnh ô tô, xe máy vây kín vỉa hè phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, La Thành; thậm chí ô tô đỗ cả ngày lẫn đêm ngay cả trên cầu (như tại cầu Khỉ - nối đường Giải Phóng và phố Nguyễn An Ninh). Hay các điểm trông giữ xe trái phép chiếm cả phần đường, bến đỗ xe buýt cũng rất phổ biến.
Thực trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trở thành “bệnh khó chữa” tại các đô thị lớn
Việc lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm, nhan nhản bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại đã phản ánh sự thiếu quyết liệt, nếu không nói là làm ngơ của chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố trong xử lý vi phạm.
Nhiều ý kiến cho rằng, vỉa hè lòng đường bị chiếm dụng, mà đặc biệt là biến thành bãi trông giữ ô tô (có phép có, không phép có) là cái giá mà Hà Nội phải trả cho thực trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện.
Chung cư, nhà cao tầng mọc lên chóng mặt, nhưng quỹ đất đô thị dành cho giao thông chỉ ở mức 10%, (bằng khoảng một nửa so với yêu cầu). Cùng với đó, tốc độ tăng của ô tô (khoảng 10,2%/năm) và xe máy (khoảng 6,7%/năm) đã làm cho tình trạng ùn tắc giao thông, quỹ đất giao thông tĩnh càng trở nên chật chội.
Hà Nội nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ
Ngày 31/3, TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý 1/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng dành nhiều thời gian chỉ đạo về vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố.
Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu đơn vị liên quan duy trì kết quả đã đạt được về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
"Từ chỗ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch, từ chỗ thiếu quy hoạch thì người dân cứ "tràn ra tràn vào" sau mỗi chiến dịch vì sinh kế của người dân là chính đáng. Vì vậy cần xác định đúng nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại mà quanh năm suốt tháng đi kiểm tra, xử lý thì không thể văn minh, văn hiến. Chúng ta suy nghĩ là tổ chức thực hiện nhưng cần bảo đảm hiệu quả lâu dài, bảo đảm công khai minh bạch".
Giải pháp đầu tiên Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo là phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và khu đô thị mới.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè, có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ..., bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.
Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành "số hóa" để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.