Việt Nam sẽ tăng trưởng ra sao năm 2025? Dự báo mới nhất từ ADB
Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Phát biểu tại họp báo công bố báo cáo ADO tháng 4/2025, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam ông Shantanu Chakraborty cho rằng, tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Tuy nhiên, ông Shantanu Chakraborty cũng nhận định: “Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay”.
Những bất ổn bên ngoài như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tình hình bất ổn đang tiếp diễn tại Trung Đông… có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn tới trung hạn.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Trung Quốc - các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có thể ảnh hưởng hơn nữa tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài.
Ông Shantanu Chakraborty nói: “Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước nhanh chóng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn”.
Báo cáo ADO tháng 4/2025 cũng nhận định, tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là một thách thức then chốt cho sự phát triển của đất nước.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026 sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi. Do đó, việc nắm bắt được những hạn chế và thách thức liên quan tới việc mở rộng sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng để cải thiện lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.
Trước đó, sau sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4, từ ngày 5/4 toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cơ bản 10%. Đặc biệt, từ ngày 9/4, các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ bị áp thuế đối ứng cao hơn – trong đó Việt Nam đứng thứ hai thế giới với mức 46%, chỉ sau Campuchia (49%).
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn với sự tham dự của ba Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ ngành trọng yếu như Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, để bàn giải pháp chiến lược ứng phó tức thì.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu lập ngay tổ phản ứng nhanh để có đối sách chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam.
"Việt Nam muốn Mỹ có chính sách phù hợp hơn với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng điều này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh.
>>Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các biện pháp ngoại giao để tác động tới các cơ quan của Hoa Kỳ