Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân 45.000-46.000 USD/người
Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 45.000-46.000 USD/người. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng cần có ý tưởng đột phá, Hà Nội mới tăng trưởng như kỳ vọng.
3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Hà Nội
Tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo Bộ trưởng, mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng, song quy hoạch Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thông tin, hồ sơ quy hoạch Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên hội đồng thẩm định, với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó là 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với các báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch (ĐMC), báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt quy hoạch Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho hay, quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Trong đó, nhấn mạnh quan điểm Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc, là hình mẫu lan tỏa cho phát triển cả nước.
Đồng thời, phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường...
Về tổ chức không gian, quy hoạch Thủ đô Hà Nội tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển. Chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến châu Á... ; GRDP bình quân từ 45.000-46.000 USD/người; tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%.
Đáng chú ý, quy hoạch Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Trong đó, ở kịch bản 1 - kịch bản thuận lợi, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ đạt 9,5-10%; kịch bản 2 - kịch bản nỗ lực tăng trưởng đạt 8,5-9,5% và kịch bản 3 - kịch bản cơ sở, GRDP Hà Nội sẽ đạt 7,5-8,5%.
Để Hà Nội tăng trưởng như kỳ vọng
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá, đây là quy hoạch có tính chất đột phá nhất so với các lần làm quy hoạch trước của Hà Nội.
“Quy hoạch Thủ đô cơ bản bám sát nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng phê duyệt, song cũng đang có thách thức là thành phố song hành triển khai hai trọng tâm quy hoạch là quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung. Các chính sách đặc thù xác định trong Luật Thủ đô để tạo động lực phát triển cũng đang hoàn chỉnh để trình Quốc hội. Do đó, các đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt chẽ”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Đồng tình với 3 kịch bản tăng trưởng mà quy hoạch Hà Nội đưa ra, nhưng TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng, rất khó khi Hà Nội có quy mô lớn, yêu cầu cao.
Ông cũng băn khoăn khi cho rằng cơ cấu kinh tế của Hà Nội chưa hợp lý; tỷ trọng công nghiệp quá thấp, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.
TS. Cao Viết Sinh lưu ý, Hà Nội muốn tăng trưởng nhanh, cần xem xét lại định hướng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo - vẫn chưa thể hiện rõ.
Góp ý cho quy hoạch Hà Nội, ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á, cho hay, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa nhiều khía cạnh để tăng trưởng, tuy nhiên, nếu không có ý tưởng đột phá Hà Nội khó có thể tăng trưởng như mức kỳ vọng.
Ông đề xuất, Hà Nội cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và đột phá để thúc đẩy tăng trưởng; cũng như cân nhắc lợi thế cạnh tranh của Hà Nội với các thành phố khác, đặc biệt là TP.HCM. Công nghiệp, các ngành công nghệ sẽ chính là mũi nhọn để giúp nền kinh tế của Hà Nội phát triển hơn nữa.