Các cơ sở giáo dục hoạt động “chui” đi kèm với việc tuyển dụng thiếu khắt khe, người được tuyển dụng không có trình độ chuyên môn phù hợp, không được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Cả nước hiện nay đang thiếu gần 100.000 giáo viên, và nhiều nhất ở bậc mầm non. Sau đại dịch COVID-19 số lượng giáo viên mần non nghỉ việc cũng thuộc top cao nhất.
Ở các Thành phố, địa phương có nhiều khu công nghiệp, tốc độ di dân cao thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều nơi có 30 - 40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ, số trẻ còn lại được gửi cơ sở tư thục.
Lương thấp, áp lực cao, chế độ đãi ngộ nói chung không thỏa đáng là lý do chính dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Trong khi các trường, lớp mầm non thiếu giáo viên thì đội ngũ bảo mẫu chăm sóc trẻ trong trường mầm non cũng thiếu vì không có nguồn tuyển qua đào tạo, không có quy định về vị trí việc làm đối với bảo mẫu trong hệ thống giáo dục.
Qua vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong khi gửi tại một cơ sở trông trẻ trên địa bàn xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã tiếp tục rung lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Đáng báo động là những vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra thời gian qua, nhiều trường hợp lại xuất phát từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát. Việc thiếu trường, lớp, cũng khiến phụ huynh phải gửi con vào nơi không an toàn. Trước đó, đã từng xảy ra nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non.
Hầu hết những vụ bạo hành dã man được đưa ra xét xử, các giáo viên, bảo mẫu đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng dường như nhiều người không thấy hình phạt đó đáng sợ. Áp lực công việc, thiếu kỹ năng, thiếu sự kiên nhẫn và thiếu tình thương là những nguyên nhân khiến một số giáo viên, bảo mẫu vượt qua nỗi sợ trút giận lên những đứa trẻ.
Để bảo đảm an toàn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mầm non, ngày 6/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương ký ban hành văn bản gửi ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường triển khai công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội của Quốc hội - phân tích, những vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.
Các cơ sở giáo dục hoạt động “chui” sẽ kèm theo việc tuyển dụng thiếu khắt khe, người được tuyển dụng không có trình độ chuyên môn phù hợp, không được đào tạo, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, để xảy ra những vụ việc trên có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý giáo dục.
Ông Nghĩa cho rằng "công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên phải được quan tâm, nâng cao. Kịp thời phát hiện, loại bỏ những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy giáo dục".
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phối hợp với gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ em.
Các đơn vị cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được cấp phép trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp cho con em; phát huy vai trò của nhân dân, tổ chức đoàn thể trên địa bàn trong việc phát hiện kịp thời các cơ sở hoạt động trái quy định.
Người phụ nữ đánh con gái 9 tuổi dã man vì ‘không bán hết vé số’
Diễn biến mới nhất vụ người mẹ bạo hành khiến bé gái 5 tuổi ở TPHCM tử vong