Các công trình này cho đến nay vẫn được sử dụng và phát huy tốt giá trị của nó như cách đây mấy chục năm.
Khách sạn Thắng Lợi là món quà mà Chủ tịch Phidelcastro, Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba đã dành tặng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vào những năm 70 của thập kỷ trước. Công trình này tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt Nam – Cuba.
Lịch sử khách sạn bắt đầu vào năm 1973, khi Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Việt Nam khi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đang bước vào giai đoạn mới. Nhà lãnh đạo Cuba đã quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế quan trọng gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam – CuBa (Quảng Bình), trại bò Mộc Châu (Sơn La), trại gà Lương Mỹ và đường cao tốc Xuân Mai – Sơn Tây (Hà Nội).
Khách sạn Thắng Lợi được xây dựng trên một khu đất khá rộng nằm sát hồ Tây với diện tích tổng thể hơn 46.000m2, nằm giữa hai làng Yên Phụ và làng Nghi Tàm. Đây là khu vực có nhiều di tích lịch sử, đền chùa, làng nghề truyền thống như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, làng hoa Nghi Tàm, làng đào Nhật Tân,...
Đặc biệt, khách sạn cũng nằm trên khu vực có đường giao thông thuận tiện cho việc đi lại của du khách để ra sân bay quốc tế Nội Bài hoặc tới các địa điểm tham quan khác của Hà Nội.
Khách sạn Thắng Lợi được thiết kế xây dựng với mục đích ban đầu là một khu nhà nghỉ cao cấp với tổng số phòng lúc đầu là 156 phòng. Trong tâm thức nhiều người Hà Nội, hình ảnh khách sạn Thắng Lợi vẫn tồn tại như một biểu trưng đặc biệt về tình hữu nghị Việt Nam – Cuba, nối liền qua nhiều thế hệ.
Để xây dựng khách sạn này, phía Cuba đã cử đoàn kĩ sư, kiến trúc sư, công nhân, trong đó có 20 nữ sang Việt Nam, còn phía Việt Nam có khoảng 100 người tham gia xây dựng. Ngoài ra, phía Cuba cũng trực tiếp lo từng thiết bị nội thất, không ít trong số đó được đặt mua từ Nhật Bản và chở về Việt Nam.
Ngày nay, khách sạn Thắng Lợi là một trong những địa điểm tổ chức tiệc cưới và chụp ảnh cưới đẹp, được rất nhiều gia đình và các cặp đôi lựa chọn trong mùa cưới. Khuôn viên khách sạn Thắng Lợi cũng có rất nhiều góc chụp đẹp mắt, tự nhiên. Không chỉ vậy, vẻ sang trọng, lịch lãm, cổ điển của những căn phòng bên trong khách sạn cũng làm nên những dấu ấn cho du khách khi tới đây.
Tại khách sạn cũng có hệ thống bể bơi ngoài trời được thiết kế hiện đại, với màu nước trong xanh quyện với những chiếc ghế trắng trải dài, những cây dừa cao vút tầm mắt và mênh mông bên làn nước của Hồ Tây.
Bên cạnh khách sạn Thắng Lợi, tuyến đường từ Xuân Mai đi Sơn Tây cũng là con đường do Cuba xây tặng Việt Nam năm 1976. Đây là con đường huyết mạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Hà Nội.
Theo những tài liệu còn ghi chép lại và các kỹ sư Việt Nam trực tiếp tham gia thi công tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây thì đây là tuyến đường mà tất cả những vật liệu tốt nhất, máy móc, phương tiện hiện đại nhất, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề nhất được Cuba đưa sang vừa để thi công bảo đảm chất lượng, vừa tham gia đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm làm đường giao thông cho đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng của Việt Nam, đúng như tinh thần Chủ tịch Fidel Castro đã đúc kết: “Cuba không cho đi những gì mà mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những tài nguyên khiêm tốn mà mình có được”.
Các kỹ sư và công nhân Cuba đã áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong làm đường thời bấy giờ, đó là công nghệ cọc khoan nhồi, phụ gia siêu dẻo trong làm đường. Những công nghệ này mãi sau này nước ta mới có điều kiện để áp dụng.
Là một trong những kỹ sư được đào tạo tại Cuba từ 1967 đến 1974, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết ấn tượng của ông trong quá trình làm việc với kỹ sư, công nhân Cuba đó chính là tinh thần, trách nhiệm của phía bạn.
"Trong quá trình làm đường, việc thí nghiệm được phía bạn rất coi trọng. Tuy chỉ làm một tuyến đường dài hơn 50km nhưng Cuba đưa sang 3 phòng thí nghiệm về đất, vật liệu, nhựa đường và bê tông nhựa.
Đơn cử như việc lấy đất đắp nền, kỹ sư và công nhân Cuba thử lấy đất ở nhiều vị trí khác nhau trong vùng, với nhiều độ sâu khác nhau. Khi tìm được loại đất đạt tiêu chuẩn cho nền đường mới chỉ định lấy đắp nền. Điều đó rèn cho chúng tôi - những kỹ sư mới ra trường tính cẩn thận trong từng khâu của quá trình thi công làm đường", ông Sơn kể lại.
Gần 50 năm đã trôi qua, tuyến đường Xuân Mai – Sơn Tây vẫn còn đó, bền bỉ với thời gian, góp phần thúc đẩy giao thương của nhân dân trong khu vực, mang lại cuộc sống ngày càng phồn vinh cho các địa phương nơi tuyến đường đi qua và tô thắm thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam – Cuba hiện tại và tương lai.