Sống

Hàng nghìn giáo viên viết tâm thư mong bỏ thi thăng hạng

Thuý Nga 02/08/2023 - 15:49

Gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi tới Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND thành phố, bày tỏ mong muốn bỏ việc phải dự thi mới được xét thăng hạng, tăng lương.

Là một trong những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang làm hồ sơ dự thăng hạng đợt này, thầy giáo Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (huyện Phú Xuyên) cho biết, khi tìm hiểu hình thức, nội dung thăng hạng chức danh nghề nghiệp, thầy và đồng nghiệp cảm thấy băn khoăn.

Thăng hạng chức dạnh nghề nghiệp vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi.

“Qua tâm sự và tìm hiểu thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp các nơi, tôi được biết ở nhiều tỉnh thành khác như Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển. Ngay trên địa bàn Hà Nội, giáo viên ở các trường THCS từ mấy năm trước đã được xét thăng hạng mà không phải thi”.

Thầy Đường bày tỏ bản thân thầy và các bạn cùng học chung một trường đại học. Sau khi tốt nghiệp, mỗi người về một địa phương nơi mình sinh sống để công tác.

“Cùng xuất phát điểm, bằng cấp như nhau, cùng nỗ lực cống hiến cho ngành giáo dục, nhưng bạn tôi ở các tỉnh khác được xét tuyển thăng hạng, tăng lương, trong khi chúng tôi ở Thủ đô phải thi đạt mới được thăng hạng”.

Cùng với thầy Đường, trong số 2.500 giáo viên ký vào đơn thư gửi lãnh đạo các cấp, gần 50% là các giáo viên thuộc thế hệ 6X, 7X. Thầy giáo này cho rằng, nếu Hà Nội tổ chức thi để thăng hạng sẽ gây nhiều bất lợi cho những đối tượng là giáo viên đã lớn tuổi.

“Nhiều thầy cô trong số này là giáo viên giỏi cấp cụm, thành phố, là chiến sĩ thi đua, cán bộ giàu năng lực… được khẳng định trong thực tiễn công tác, nhưng vì tuổi đã cao, trình độ tiếng Anh đã mai một nhiều, có thể sẽ không được thăng hạn nếu chẳng may sơ suất khi thi. Điều này sẽ là thiệt thòi rất lớn cho sự nỗ lực nhiều năm của họ”, thầy giáo này nói.

Thầy giáo Lê Đức Dương, Trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm), cũng cùng chung nguyện vọng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên.

“Tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng cho giáo viên chính là những đóng góp cho ngành giáo dục. Không nên tạo áp lực cho giáo viên bằng những cuộc thi”.

Thầy Dương cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên trong thành phố tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Trong khi công sức, thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.

Với cùng thời gian, công sức, nguồn kinh phí ấy, nếu đầu tư cho việc trau dồi nghiệp vụ chuyên môn và những dự án giáo dục khác sẽ phát huy giá trị hơn rất nhiều.

“Là giáo viên, chúng tôi tự thấy mình đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những áp lực công việc, luôn trăn trở tìm tòi để có được những bài giảng tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện Chương trình phổ thông mới 2018. 

Việc được hội đồng nhà trường xét duyệt, thông qua hồ sơ dự thi thăng hạng cũng chứng tỏ rằng chúng tôi đã có những  cống hiến, thành tích và xứng đáng với việc có chức danh ở hạng cao hơn”.

Từ những lý do này, thầy Đường, thầy Dương và gần 2.500 giáo viên khác mong muốn Hà Nội bỏ quy định thi thăng hạng, chỉ xét thăng hạng nhằm giảm bớt gánh nặng cho giáo viên.

Theo quy định hiện hành, có hai hình thức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức là thông qua thi tuyển hoặc xét duyệt. Việc này thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức. 

Hồi cuối tháng 5, Bộ Nội vụ cũng đưa ra đề xuất, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà không phải thi thăng hạng.

Theo Bộ Nội vụ, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Các kỳ thi cũng chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp.

“Trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức”, Bộ trưởng Nội vụ thông tin.

Hơn 300 giáo viên Hà Nội bức xúc vì mất cơ hội tăng lương: Bộ GD-ĐT nói gì?

Vợ chồng cựu giáo viên làm bột ngũ cốc thu gần tỷ đồng/năm

Giáo viên giỏi bỏ nghề đi xuất khẩu lao động mong đổi đời

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/hang-nghin-giao-vien-viet-tam-thu-mong-bo-thi-thang-hang-2171990.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hàng nghìn giáo viên viết tâm thư mong bỏ thi thăng hạng
POWERED BY ONECMS & INTECH