Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố thông tin điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa xuống 18%.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố thông tin điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa từ 21,5% xuống 18%. Thời gian điều chỉnh là 9/6/2022.
Tính đến cuối năm 2021, cơ cấu cổ đông của HDBank gồm pháp nhân trong nước (44%), thế nhân trong nước (38,9%), pháp nhân nước ngoài (17%) và thế nhân nước ngoài (0,1%). Trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Sovico với số cổ phần sở hữu là 290 triệu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 14,48%.
Kế hoạch năm 2022, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến đạt 440.439 tỷ đồng, tương đương tăng 18% so với năm trước. Tổng huy động và dự nợ tăng lần lượt 17% và 20%, đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2022, HDBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Tại ngày 31/3/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 234.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2021 với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.
Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các chuỗi cung ứng và phân phối, hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng xanh, phát triển năng lượng tái tạo và hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường.
Với các chương trình kinh doanh sôi nổi ngay từ quý đầu năm, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 5.122 tỷ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trên 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng còn nhiều.
Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. An toàn vốn, thanh khoản được đảm bảo với chỉ số chất lượng. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỷ lệ thấp trong ngành. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%.
Chi phí hoạt động được tối ưu giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập (CIR) đạt 37,6% tốt hơn mức 39,1% của quý I/2021.