Điểm đến

Hệ thống cáp treo phá 9 kỷ lục thế giới của Việt Nam được báo Mỹ ca ngợi

Hải Yến 20/11/2023 - 15:05

Mới đây trên tờ New York Times, câu chuyện kể về hành trình khám phá hệ thống cáp treo tại Việt Nam đã gây sự chú ý.

Tiêu đề khác lạ “Nếu bạn có thể đi cáp treo đến Đấu trường La Mã, bạn đang ở Việt Nam” của Patrick Scott không chỉ tạo ra sự tò mò mạnh mẽ cho độc giả quốc tế mà còn là cái cầu dẫn vào một cuộc hành trình khám phá vô cùng thú vị về hệ thống cáp treo tại Việt Nam. Phóng viên này không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và mô tả về các hệ thống cáp treo tại các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Sa Pa, và Đà Nẵng, mà còn chia sẻ những trải nghiệm đặc sắc của chính mình và những du khách quốc tế khác.

Chuyến đi cáp treo của Patrick Scott đến Phú Quốc vào tháng 3 đã mở ra một bức tranh tuyệt vời về vẻ đẹp của nam đảo Phú Quốc nhìn từ cáp treo, nơi biển cả trải rộng mênh mông "như pha lê trong vắt", và thêm vào đó, hàng trăm chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ tạo nên một khung cảnh rực rỡ. Tuyến cáp treo này đã trở thành nguồn cảm hứng cho việc đặt tên cho bài viết của Patrick Scott.

Với mô tả về khu vực nhà ga cáp treo, ông miêu tả nó như một phiên bản "đầy đủ" của Đấu trường La Mã ở Rome và Thị trấn Hoàng Hôn - Sunset Town trở thành một bản sao tinh tế của một thành phố ở Địa Trung Hải, với tháp chuông đồng hồ, đài phun nước kiểu baroque và những tàn tích La Mã.

“Trông giống như Disneyland hoặc The Truman Show”, Tomek Tabaka, một du khách Ba Lan, mô tả.

Du khách đi cáp treo tham quan quần thể du lịch Fansipan Legend của Sun World xuống núi, với tầm nhìn ra thung lũng Mường Hoa. Ảnh: New York Times

Du khách đi cáp treo tham quan quần thể du lịch Fansipan Legend của Sun World xuống núi, với tầm nhìn ra thung lũng Mường Hoa. Ảnh: New York Times

Khi đặt chân đến Đà Nẵng, Patrick Scott tận hưởng cáp treo lên đỉnh Bà Nà, một công trình đã biến đổi trạm nghỉ dưỡng ngày xưa của người Pháp thành Sun World Ba Na Hills, một khu giải trí theo phong cách châu Âu, với làng Pháp, nhà thờ Gothic, lâu đài cổ tích và đặc biệt là Cầu Vàng - một hiện tượng truyền thông toàn cầu.

Ở Sa Pa, Patrick Scott bị quyến rũ bởi hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan, nó là chuyến đi qua những biển mây dày, trắng xóa, mang lại cho du khách cảm giác đặc biệt khi đến đỉnh. Suvisa Vathananond và Patrick Tunhapong, du khách Thái Lan, nhận xét khu du lịch trên đỉnh Fansipan là một dự án cân bằng tốt giữa bảo tồn và phát triển.

“Việt Nam là nơi có 4 tuyến cáp treo dài nhất thế giới, đều được xây dựng trong thập kỷ qua, cho thấy biến chuyển ngoạn mục của nền kinh tế và ngành du lịch Việt Nam”, nhật báo của Mỹ nhận định, và nhấn mạnh phần lớn những hệ thống cáp treo nổi tiếng được phát triển bởi Sun Group.

Steven Dale, người sáng lập “Gondola Project” - một website uy tín theo dõi tốc độ phát triển cáp treo toàn cầu nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển cáp treo thành công nhất châu Á, đánh dấu bằng sự tăng cường đáng kể về cơ sở hạ tầng du lịch trong vài thập kỷ qua.

Cáp treo không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là công cụ quảng bá văn hóa và du lịch của Việt Nam trên bảng quốc tế. Các khu du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Bà Nà Hills, Fansipan đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và đồng thời tạo ra những bước phát triển tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Hiện tại, 6 khu Sun World có cáp treo đã thu về tới 9 kỷ lục Guinness thế giới, như: Cáp treo ba dây dài nhất thế giới tại Phú Quốc; Cabin cáp treo có sức chứa lớn nhất thế giới tại Hạ Long (Quảng Ninh); Trụ cáp cao nhất thế giới tại Cát Bà (Hải Phòng); Hệ thống cáp treo có độ dốc lớn nhất thế giới lên đỉnh Fansipan tại Sa Pa (Lào Cai); Cáp treo một dây dài nhất thế giới lên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng)…

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng. Ảnh: Chuyên trang Du Lịch, Báo Lao Động

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng. Ảnh: Chuyên trang Du Lịch, Báo Lao Động

Theo nhận định của New York Times, cáp treo không chỉ đem lại lợi ích về mặt du lịch mà còn ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế địa phương. Ví dụ, với Sa Pa, chỉ trong gần 10 năm, lượng du khách đã tăng vọt từ 65.000 vào năm 2010 lên tới 3,3 triệu vào năm 2019 sau khi hệ thống cáp treo được xây dựng. Điều này thể hiện rõ sự quan trọng của cáp treo trong việc thu hút du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

Theo chuyên gia Steven Dale, địa hình Việt Nam có nhiều núi, rừng và hải đảo, phù hợp để xây dựng cáp treo. Đây được xem là “con đường” có thời gian xây dựng nhanh hơn, rẻ hơn và ít gây thiệt hại về môi trường hơn so với đường bộ.

New York Times nhận định cáp treo có ý nghĩa đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tầng lớp trung lưu của đất nước là những đối tượng không dễ dàng có khả năng chi trả cho một chuyến đi đến Rome (Italy), hay Paris (Pháp), nhưng có thể dễ dàng mua vé cáp treo có giá từ 25 đến 45 USD để đến những điểm đến lấy cảm hứng từ châu Âu như Bà Nà Hills hay Phú Quốc.

>> Chiêm ngưỡng tuyến cáp treo vượt biển gần 4.000m phá kỷ lục trụ cao nhất thế giới của Việt Nam, nối đất liền với “đảo Ngọc miền Bắc”

Tai nạn kinh hoàng: Cáp treo xảy ra va chạm ở khu vực cao hơn 3.000m khiến 8 người bị thương, lực lượng cứu hộ khẩn trương có mặt

Tai nạn cáp treo nghiêm trọng khiến 8 người bị thương: Chính quyền kích hoạt kế hoạch ứng phó khẩn cấp, điều động hơn 120 lính cứu hỏa, nhân viên cứu hộ đến hiện trường

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/he-thong-cap-treo-pha-9-ky-luc-the-gioi-cua-viet-nam-duoc-bao-my-ca-ngoi-d111710.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hệ thống cáp treo phá 9 kỷ lục thế giới của Việt Nam được báo Mỹ ca ngợi
    POWERED BY ONECMS & INTECH