Huy động hơn 300 cán bộ kỹ sư cùng hàng nghìn công nhân cần mẫn 800 ngày ‘cõng đá lên trời’, xây dựng thành công tuyến cáp treo 3 dây, đạt 2 kỷ lục thế giới
Cáp treo Fansipan khánh thành đã biến ước mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Được khởi công vào tháng 11/2013 và chính thức vận hành ngày 2/2/2016, hệ thống cáp treo Fansipan ngay lập tức ghi danh vào hàng loạt kỷ lục thế giới, đưa Fansipan từ một đỉnh núi hùng vĩ trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ.
Hệ thống cáp treo Fansipan hoàn thiện đã ghi danh vào hàng loạt kỷ lục thế giới (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Được đầu tư bởi Tập đoàn Sun Group, tuyến cáp treo dài 6.292,5m, vươn lên độ cao 3.143m so với mực nước biển, gồm 6 trụ chính và 33 cabin hiện đại, mỗi cabin chứa tối đa 35 người. Chỉ với vài chục phút, hành trình gian nan chinh phục đỉnh núi tưởng chừng kéo dài 2 ngày giờ đây được thay thế bằng trải nghiệm ngoạn mục giữa trời xanh mây trắng, đưa du khách chạm tay vào thiên nhiên kỳ vĩ mà không cần tốn sức leo núi.
Tuy nhiên, đằng sau công trình thế kỷ này là nỗ lực phi thường của những con người thầm lặng, bền bỉ “mang hồn cáp” vượt qua thử thách khắc nghiệt trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương.
Theo thông tin trên Báo Văn Hóa, quá trình xây dựng cáp treo Fansipan là hành trình đầy gian nan, thử thách, kéo dài "800 ngày không thể quên". Cuối năm 2013, ngay sau khi giấy phép xây dựng chính thức có hiệu lực, hơn 300 cán bộ và kỹ sư bắt đầu cuộc hành trình tiến vào lòng núi mẹ, quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ bắc cáp lên "nóc nhà Đông Dương".
Đằng sau công trình thế kỷ này là nỗ lực phi thường của những con người thầm lặng (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Để hoàn thành tuyến cáp treo và đường dây 35kV cung cấp điện cho toàn bộ quá trình thi công lẫn vận hành sau này, không có giải pháp công nghệ nào hiệu quả hơn “sức người”. Hàng nghìn đôi vai trần đã gánh, địu hàng chục nghìn tấn sắt thép, máy móc, thiết bị, bền bỉ di chuyển qua địa hình núi non hiểm trở với đèo dốc, vực sâu chênh vênh.
Địa hình núi non hiểm trở và khắc nghiệt (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Khi cáp công vụ gần hoàn thành, nhà ga dịch vụ vẫn chỉ mới xong phần móng. Nhìn cảnh công nhân Việt đào đất thủ công, các chuyên gia nước ngoài từng dự đoán rằng phải mất ít nhất 5 năm công trình này mới có thể thành hình.
Tuy nhiên, bằng ý chí kiên cường và nỗ lực không ngừng, sau hành trình 800 ngày đầy gian nan và thử thách, đến tháng 2/2016, tuyến cáp treo Fansipan đã chính thức hoàn thành. Thành tựu này không chỉ vượt qua mọi dự đoán mà còn đưa công trình vào bảng vàng của Guinness World Records với hai kỷ lục.
Hàng nghìn đôi vai trần đã gánh, địu hàng chục nghìn tấn sắt thép, máy móc (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Vào sáng ngày 2/2/2016, lễ khai trương cáp treo Fansipan đã ghi dấu mốc lịch sử khi được vinh dự nhận hai kỷ lục danh giá: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6292.5m.
Ngạo nghễ vươn mình ở độ cao 3.143m so với mực nước biển, đỉnh Fansipan đã trở thành đích đến đầy mê hoặc cho những ai khao khát chinh phục. Không chỉ là biểu tượng của kỹ thuật xây dựng tiên phong tại Việt Nam, hệ thống cáp treo Fansipan còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đưa thương hiệu Sapa lên tầm cao mới trong bản đồ du lịch thế giới.
Hệ thống cáp treo chính thức vận hành ngày 2/2/2016 (Ảnh: Báo Văn Hóa)
Những năm vừa qua Sun World Fansipan Legend liên tiếp được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) với các danh hiệu danh giá như “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới” và “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới”. Đặc biệt, gần đây nhất, nơi này tiếp tục ghi dấu ấn khi được công nhận là “Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới 2024”.
Đỉnh Fansipan đã trở thành đích đến đầy mê hoặc cho những ai khao khát chinh phục (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Từng được ví như “nàng công chúa ngủ quên”, Sa Pa nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Fansipan (còn gọi là Phan Si Păng hoặc Phan Xi Păng) là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nằm trong dãy núi Hoàng Liên Sơn, vùng Tây Bắc Bộ. Đây cũng là ngọn núi cao nhất bán đảo Đông Dương, được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương", thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến chinh phục và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ.
>> Xin cấp phép môi trường với dự án cáp treo nối chùa Hương với chùa Tiên