HKB: 6 năm chưa thể "đứng dậy" sau "cú sốc" tài chính, lỗ lũy kế bào mòn vốn chủ

12-01-2023 11:48|Yến Thanh

Kể từ năm 2017 trở lại đây, tình hình kinh doanh của Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Mã HKB) bắt đầu tụt dốc không phanh với doanh thu chưa đủ để trả lãi vay.

CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (Mã HKB - UPCoM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2022 với việc tiếp tục có thêm một năm thua lỗ.

HKB: 6 năm chưa thể
Nguồn báo cáo tài chính quý 4/2022 của HKB

Trong quý 4/2022, HKB ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,4 tỷ đồng - tăng 17% so với quý trước và tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính và vẫn duy trì lần lượt 12,6 tỷ và 2,7 tỷ đồng như cùng kỳ năm 2021. Sau cùng, Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc báo lỗ trước và sau thuế gần 14,7 tỷ đồng - tương đương quý 4/2021.

Đáng nói, đây đã là quý lỗ thứ 12 liên tiếp của HKB kể từ đầu năm 2020; mức lỗ trung bình mỗi quý liên tục duy trì ở mức 14 - 15 tỷ.

Giải trình nguyên nhân lỗ ròng, phía công ty cho biết do đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đủ đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là nguyên nhân được HKB đưa ra suốt 3 năm qua.

Xét chung cả năm 2022, HKB ghi nhận doanh thu đạt gần 5,6 tỷ đồng - tương đương năm 2021 (không hoàn thành mục tiêu doanh thu); lỗ ròng gần 58,5 tỷ đồng (không đạt chỉ tiêu lỗ 55 tỷ). Đây đã là năm khinh doanh thua lỗ thứ 3 liên tiếp của công ty kể từ năm 2020 và là năm thứ 5 ghi nhận lỗ ròng trong 6 năm gần nhất.

Tính đến cuối năm 2022, Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế tới 328 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu tiếp tục giảm về còn 204 tỷ.

HKB: 6 năm chưa thể

Về cơ cấu tài chính, nợ phải trả đến cuối năm 2022 của Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc ở mức 165 tỷ đồng - bằng 45% tổng tài sản trong đó nợ ngắn hạn áp đảo là gần 164 tỷ đồng - gấp gần 3 lần tài sản ngắn hạn (56,8 tỷ đồng) qua đó trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với doanh nghiệp này.

Quan sát trong giai đoạn 2012 - 2022, HKB từng có quảng thời gian kinh doanh khá ổn định với doanh thu hàng trăm tỷ/năm cùng mức lợi nhuận dương dù không quá lớn.

Đến năm 2016, công ty lập đỉnh cả về doanh thu và lợi nhuận với lần lượt 765 tỷ và 71,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng doanh nghiệp nông nghiệp này còn ghi nhận mức doanh thu trên 300 tỷ.

Kể từ năm 2017 trở lại đây, tình hình kinh doanh của HKB bắt đầu tụt dốc không phanh với doanh thu chưa đủ để trả lãi vay.

"Cú sốc" đến từ Oceanbank

Lật lại quá khứ, thời điểm cuối năm 2015, HĐQT HKB từng bất ngờ triệu tập HĐCĐ bất thường để bàn về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh.

Cụ thể, HKB đều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ năm 2015 xuống còn 320 tỷ đồng; chỉ tiêu lãi ròng giảm từ 60,8 tỷ về 3 tỷ đồng và cổ tức giảm 15% xuống còn 0%.

Theo lý giải của HĐQT, do viêc Ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank) bị đưa vào diện bị kiểm soát nên nguồn vốn vay của HKB đã ảnh hưởng nặng nề. Điều này đã dẫn tới kế hoạch kinh doanh gặp nhiều khó khăn do không huy động đủ vốn vào thời gian cao điểm.

2 năm sau đó (sau đỉnh cao năm 2016), HKB chính thức “gục ngã” khi công bố khoản lỗ ròng 23,7 tỷ trong quý 2/2017 qua đó mở màn cho chuỗi kinh doanh thê thảm của công ty những năm sao đó. Đáng chú ý là mức lỗ ròng kỷ lục gần 143 tỷ đồng trong năm 2018.

HKB: 6 năm chưa thể
Đvt: Tỷ đồng

Theo quan sát, nguyên nhân chủ yếu khiến công ty lỗ khủng trong giai đoạn này chủ yếu đến từ gánh nặng chi phí hoạt động (chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng).

Với riêng năm 2019, nhờ khoản thu nhập khác đạt 67 tỷ đồng nên HKB đã may mắn thoát án hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HNX (3 năm lỗ ròng liên tiếp).

Kết quả kinh doanh sa sút thảm hại khiến hàng loạt cổ đông lớn tháo chạy; bên cạnh các động thái thoát hành, việc nhiều lãnh đạo hứa mua rồi không mua cổ phiếu tiếp tục khiến niềm tin cổ đông đi xuống. Thậm chí đến cuối quý 1/2020, Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc không còn bất kỳ cổ đông lớn nào.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HKB từng bị đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch tiến tới bị hủy niêm yết từ 20/72021 do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 và 2020. Mã sau đó về giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 7/2021 và hiện đang giao dịch tại mức 600 đồng đồng thời đang bị hạn chế giao dịch.

HKB: 6 năm chưa thể
Diễn biến giá cổ phiếu HKB

Có thể thấy, sự cố Oceanbank đã xảy ra từ năm 2015 nhưng đến thời điểm hiện tại, HKB vẫn loay hoay trong các kế hoạch tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng để có vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh.

11 cổ phiếu thuộc 5 nhóm ngành được dự báo sẽ có KQKD tốt trong sóng BCTC quý I/2024

'Đại gia' dệt may lừng lẫy một thời cắt giảm gần 4.000 lao động, chuyển hướng kinh doanh bất động sản

Lỗ 463,6 triệu USD, hãng xe điện nổi tiếng của Mỹ gặp nguy cơ phá sản

Bài thuộc chủ đề Nông nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hkb-6-nam-chua-the-dung-day-sau-cu-soc-tai-chinh-lo-luy-ke-bao-mon-von-chu-165808.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
HKB: 6 năm chưa thể "đứng dậy" sau "cú sốc" tài chính, lỗ lũy kế bào mòn vốn chủ
POWERED BY ONECMS & INTECH