Ngay khi vừa đảm nhiệm vị trí điều hành Hòa Bình (HBC), ông Nam đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa tập đoàn vượt qua thách thức và sớm ổn định lại.
Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vừa chia sẻ về kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm giúp Hòa Bình vượt qua cơn bão và trở lại vị thế số một ngành xây dựng Việt Nam. Ông Nam khẳng định: "Khó khăn hiện tại là tạm thời, khi sóng gió qua đi Hòa Bình sẽ tiếp tục vững vàng và phát triển".
Theo đó, việc tái cấu trúc sẽ bắt đầu từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình.
Bên cạnh đó, HBC tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới; định giá lại tài sản của công ty.
Theo báo cáo tài chính của HBC, tại ngày 31/3/2023, tổng đầu tư máy móc thiết bị của Hòa Bình là 2.189 tỷ đồng, trên sổ sách đã khấu hao 1.344 tỷ đồng. Giá trị còn lại là 845 tỷ đồng. Tuy nhiên theo lãnh đạo HBC, giá trị đã khấu hao 1.344 tỷ đồng bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng cao nhưng trong sổ sách ghi nhận giá trị bằng 0 do đã quá 8 năm sử dụng.
Mới đây, HBC đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của tập đoàn) và một phần thiết bị khấu hao cho nhà đầu tư Ashita Group, với giá 1.100 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc HBC cho biết nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế và chắc chắn sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Hòa Bình.
"Tái cấu trúc hệ thống quản lý, tăng cường quản trị rủi ro cũng được tiến hành đồng thời cùng lúc với tài chính. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống quản lý, cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết trên tinh thần tinh gọn bộ máy quản lý và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó Hòa Bình sẽ tập trung mạnh vào công tác quản trị rủi ro để phát triển bền vững", ông Nam chia sẻ.
Theo đó, Hòa Bình sẽ chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư cho công ty đó phát triển tiến đến mục tiêu IPO để mời gọi nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sở hữu cổ phần. Đồng thời chuyển bộ phận tài chính của tất cả các công ty thành viên về ban tài chính của tập đoàn để quản lý tập trung và tăng cường quản trị rủi ro.
Kết quả kinh doanh HBC |
Năm 2022, Hòa Bình lỗ kỷ lục 2.594 tỷ đồng. Sang năm 2023, HBC lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng, giảm 47% so với thực hiện năm 2022, song doanh nghiệp kỳ vọng thoát lỗ với lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng.
Kết phiên hôm nay (20/6), cổ phiếu HBC tăng 2,66% lên 8.880 đồng/cp.