‘Học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan’: Hằn học của người lớn đừng đổ đầu con trẻ
Tôi hình dung ra buổi liên hoan hôm đó, khi một học sinh lớp 1 cô đơn trong "bữa tiệc" mà các em vốn rất háo hức, mong chờ. Thay vì được ăn uống hồn nhiên như các bạn, N. đã phải ăn ké bạn miếng gà rán. Vì đâu nên nỗi?
Bài viết: “Sự thật vụ ‘học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ” trên VietNamNet, 27/5, đã đưa mang đến cho các độc giả, trong đó có tôi, nhiều cung bậc cảm xúc.
Câu chuyện xảy ra ở lớp 1C, Trường Tiểu học Gia Lương, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tình huống nảy sinh khi một phụ huynh của lớp không đóng tiền liên hoan cuối năm cho con, phụ huynh lớp này chỉ mua 31 suất gà rán kèm khoai tây chiên và xúc xích, trị giá 40.000 đồng/suất (lớp có 32 học sinh). Đến lúc liên hoan, em N. không được nhận một suất gà rán, khoai tây chiên và xúc xích như các bạn. Theo cô giáo chủ nhiệm của lớp, có 2 học sinh khác đã đưa cho N... một ít để ăn chung.
Tôi hình dung ra buổi liên hoan hôm đó, khi một học sinh lớp 1 cô đơn trong "bữa tiệc" - các em vốn rất háo hức, mong chờ để đánh dấu một năm học đã kết thúc. Thay vì được ăn uống hồn nhiên như các bạn, N. đã phải ăn ké bạn miếng gà rán. Vì đâu nên nỗi?
Chắc cũng như tôi, nhiều độc giả sẽ không khỏi bức xúc: Học sinh lớp 1 còn biết chia cho bạn, vậy tại sao người lớn chúng ta lại tiết kiệm một suất ăn? Đành rằng, buổi liên hoan do phụ huynh của lớp tổ chức, nhưng khi đọc thông báo quyết toán quỹ phụ huynh lớp, ghi rõ có 1 học sinh không tham gia, cô sao không trao đổi với phụ huynh để tất cả học sinh cùng vui liên hoan cuối năm để tạm biệt năm lớp 1.
Có thể thấy, trách nhiệm trước tiên thuộc về giáo viên chủ nhiệm khi chưa phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Bên cạnh đó, khi 1 học sinh không có suất ăn - bằng nhiều phương án cô giáo có thể giải quyết câu chuyện này, để tránh cảnh các bạn hào hứng với suất ăn, còn N. lủi thủi với lý do "mẹ không nộp tiền". Hậu quả, một đứa trẻ lạc lõng ngay chính trong lớp, lúc đang liên hoan, có nhiều người lớn cùng dự. Thật buồn, cú sốc tâm lý đó khó phai mờ trong con trẻ và kỷ niệm này sẽ đi cùng em theo năm tháng.
Phụ huynh lớp 1C - những vị tham gia tổ chức liên hoan cuối năm - có phải do giận phụ huynh không đóng tiền liên hoan cho con mà “thẳng tay” trị gián tiếp? Tôi không nghĩ 40.000 đồng là lớn, quý vị cũng thế. Nhưng thật đáng buồn, giải quyết mâu thuẫn bằng cách tạo mâu thuẫn trong con em của họ là điều khó dung thứ!
Trẻ con có lỗi gì đâu? Sao chúng ta không dùng sự chia sẻ mà cảm hóa? Lẽ ra, với N., các bậc phụ huynh khác càng phải quan tâm hơn. Điều này sẽ khiến em vơi bớt mặc cảm và đó cũng là cách làm hay để những phụ huynh “cứng” dần hiểu ra. Những năm học sau, họ sẽ hợp tác tốt hơn. Hằn học, giận dỗi không bao giờ là cách để giải quyết vấn đề. Chúng ta cứ “buộc”, “sợi dây” ấy càng xoắn, “trói” tâm hồn, khiến ta cùng trẻ đơn độc trong vũng lầy tâm lý.
Ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp giáo dục, không để một học sinh nào bị bỏ rơi trong tổ chức hoạt động của lớp thay vì “toan tính" 40.000 đồng, miếng gà rán…
Cuối năm học, tôi biết nhiều trường cho phép các lớp, theo thỏa thuận với phụ huynh, tổ chức liên hoan. Việc huy động đóng góp, chuyện thường ngày ở trường, có phụ huynh đồng thuận, có phụ huynh chưa thông, thấm chí phản đối. Do đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải lường trước tình huống xấu có thể xảy ra để ngăn ngừa.
Đặc biệt, với phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo trường cần quan tâm, hỗ trợ. Tác động của một kế hoạch giáo dục (biện pháp, chủ trương) tạo hiệu ứng đa chiều. Lấy biểu quyết đồng thuận của số đông để tổ chức, bỏ thiểu số lại phía sau, với sư phạm, lý cũng sai mà tình càng sai hơn. Để một em N. “bơ vơ” trong buổi liên hoan, có trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường nhà trường và là bài học chung cho các trường khác sẽ tổ chức liên hoan cho học sinh.
Chúng ta có thể nhìn rộng hơn ra các vấn đề khác trong môi trường học đường. Cụ thể, các khoản học phí, các loại quỹ… thường có một, hai phụ huynh kiên quyết không đóng. Các trường không thể phân biệt đối xử, càng không giận phụ huynh mà “chém” học sinh.
Dạy người, quyền uy cao nhất là chầm chậm cảm hóa, nguyên tắc bất di bất dịch là tất cả vì học sinh. Lãnh đạo nhà trường phải vượt lên cảm tính, tính toán thu, chi để chăm lo đầy đủ cho những học sinh mà ba mẹ các em còn “quay lưng” với nhà trường. Điều đó mới giúp chúng ta vững vàng với sự nghiệp trăm năm "trồng người".
Giận quá mất khôn, phụ huynh của N. cũng có phần lỗi của mình. Đáng buồn hơn, chị là người đưa thông tin đó lên mạng xã hội. Mục đích của người mẹ là gì khi một mặt không đóng tiền, một mặt lại đòi phần ăn và tỏ ra bức xúc vì con bị đối xử bất công?
Cho con mình vui cuối năm cùng các bạn, lại là chia tay lớp 1, việc nên làm chứ, sao lại từ chối! Vậy nên, sau khi trút giận lên ban tổ chức liên hoan, phụ huynh của N. cần bình tâm, nhận thiếu sót, tác động và giúp con bình ổn tâm lý. Để năm học sau, nhiều năm học sau, N. cùng các bạn có thể được dự một buổi liên hoan đầm ấm, vui vẻ và trọn vẹn với suất gà rán của mình.
Câu chuyện cũng gợi tôi nhớ về một kỷ niệm khi còn đứng trên bục giảng. Năm đó, tôi dạy thêm, L., học sinh 12, hàng tháng em đóng tiền học phí đều đặn và thường là tiền lẻ. Tôi vô tâm… nhận. Một lần, trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi mới biết, L. có gia cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ bệnh nan y, ba bị tâm thần, L. đi “cắn” hạt trà thuê lấy tiền đóng học phí. Tôi đã khóc….
Tháng sau, cũng những đồng tiền lẻ, L. đóng học phí cho tôi. Tôi nói với em: “Thầy xin lỗi, thầy biết rồi …”. Thầy trò lặng im, buổi học kết thúc. Tôi thêm bài học sâu sắc!
Kỷ niệm đó đã dạy tôi, điều làm nên phẩm cách nhà giáo là lòng yêu thương học sinh. Người thầy phải rời bục giảng, bước xuống gần hơn với trò của mình để lắng nghe, để hiểu và sẻ chia. Nghề giáo - dẫu khó đến mấy mà trái tim luôn dành cho học sinh, chúng ta sẽ tạo nên những trường học hạnh phúc..
Như mọi vụ việc xảy ra, trên mạng xã hội lại nảy ra cuộc tranh cãi dữ dội, câu chuyện "học sinh lớp 1 không được liên hoan" cũng vậy. Người chê trách người mẹ không hoàn thành nghĩa vụ, chỉ vì 100 nghìn đã để con bị lạc lõng, kẻ chỉ trích giáo viên đã không khéo léo khi xử lý tình huống sư phạm.
Chúng ta quên mất em N. và tổn thương em phải gánh, đặc biệt sau khi câu chuyện được mang lên mạng xã hội làm bùng nổ dư luận mấy ngày qua.
Hãy tha lỗi cho người lớn, con nhé!
>> Sự thật vụ 'học sinh lớp 1 không được ăn liên hoan do mẹ không đóng quỹ’