Xã hội

Hội chứng ngưng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm, 10 giây có thể khiến đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Manh Lan 10/11/2024 20:00

Hội chứng này đặc trưng bởi những đợt ngưng thở kéo dài từ 10 giây trở lên khi ngủ, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Theo TS. BS. Phan Thanh Thủy - chuyên gia từ Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵnhồi máu cơ tim là những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, có thể xảy ra ngay trong lúc ngủ, đặc biệt ở những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Hội chứng này đặc trưng bởi những đợt ngừng thở kéo dài từ 10 giây trở lên khi ngủ, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Bác sĩ Thủy giải thích, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể được chia thành ba loại chính: ngưng thở tắc nghẽn, ngưng thở trung ương và ngưng thở hỗn hợp, trong đó loại ngưng thở tắc nghẽn chiếm tỷ lệ cao nhất. Loại này thường gặp ở nam giới, người hút thuốc lá, người thừa cân hoặc béo phì (chỉ số BMI > 23), người có cổ ngắn, hàm nhỏ hoặc có tiền sử gia đình mắc tình trạng ngừng thở khi ngủ.

Hội chứng khi ngủ vô cùng nguy hiểm, 10 giây có thể khiến đột quỵ và nhồi máu cơ tim - ảnh 1
Hội chứng này đặc trưng bởi những đợt ngừng thở kéo dài từ 10 giây trở lên khi ngủ, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch (Hình minh họa)

Hội chứng ngưng thở khi ngủ đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhận thức, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, rung nhĩ và đái tháo đường type 2. Bác sĩ Thủy nhấn mạnh, những bệnh nhân này nên tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu có ít nhất một trong ba triệu chứng sau: ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc cơn ngừng thở được người khác chứng kiến.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ và các biến chứng sức khỏe

Thống kê từ Hội Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ cho thấy đến 80% bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị. Điều này tạo ra một nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng, vì các biến chứng của ngưng thở khi ngủ có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ngưng thở khi ngủ không chỉ gây mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày mà còn làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tập trung, lo âu, trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Hội chứng khi ngủ vô cùng nguy hiểm, 10 giây có thể khiến đột quỵ và nhồi máu cơ tim - ảnh 2
Hội chứng ngưng thở khi ngủ đặc biệt nguy hiểm đối với những người đã được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, rối loạn tâm trạng, rối loạn nhận thức, bệnh mạch vành, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, rung nhĩ và đái tháo đường type 2 (Hình minh họa)

Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý thần kinh như Alzheimer, …”, bác sĩ Thủy cho hay.

Nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và nguy cơ đột tử khi ngủ

Nguy hiểm nhất, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh tim mạch nghiêm trọng, bao gồm tăng huyết áp kháng trị, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo bác sĩ Thủy, “Ngưng thở khi ngủ có thể gặp ở 35% bệnh nhân tăng huyết áp, 50% bệnh nhân có rung nhĩ, 50% bệnh nhân suy tim và lên đến 80% ở những người tăng huyết áp kháng trị.”

Các nghiên cứu tại châu Á cho thấy, có tới 73,7% bệnh nhân đột quỵ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đặc biệt, một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của tình trạng này là nguy cơ đột tử vào ban đêm, do độ bão hòa oxy trong máu giảm thấp kết hợp với rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim cấp tính.

Phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Việc điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ cần tùy vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số phương pháp điều trị chính mà bác sĩ Thủy gợi ý bao gồm:

- Giảm cân và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Đối với người thừa cân, béo phì, việc duy trì cân nặng lý tưởng thông qua giảm cân, chế độ dinh dưỡng hợp lý và luyện tập thể dục đều đặn là biện pháp cơ bản để cải thiện tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Hội chứng khi ngủ vô cùng nguy hiểm, 10 giây có thể khiến đột quỵ và nhồi máu cơ tim - ảnh 3
Có nhiều biện pháp hỗ trợ giảm hội chứng ngưng thở khi ngủ (Hình minh họa)

- Phẫu thuật: Đối với những trường hợp có bất thường ở đường hô hấp trên như amidan quá phát hoặc hàm nhỏ tụt sau, phẫu thuật có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả.

- Đeo dụng cụ hỗ trợ: Các dụng cụ như đẩy hàm dưới ra trước có thể giúp cải thiện tình trạng ngưng thở ở một số người bệnh.

- Sử dụng máy thở áp lực dương: Đây là phương pháp phổ biến giúp người bệnh duy trì đường thở thông thoáng trong khi ngủ.

- Kích thích dây thần kinh XII: Đây là một biện pháp điều trị mới, giúp duy trì hoạt động của đường thở trong suốt thời gian ngủ.

Ngưng thở khi ngủ là một hội chứng phức tạp và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về hội chứng này là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ các biến chứng nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

>> Vấn đề tiêu hóa tiêu hóa hay bị người Việt bỏ qua có thể là tác nhân gây đau tim, đột quỵ

Nghệ sĩ Xuân Hinh lên tiếng về sức khỏe trước tin đồn ‘đột quỵ và không qua khỏi’

‘Siêu phẩm AI’ ở Vinmec phát hiện bất thường siêu nhỏ liên quan ung thư, đột quỵ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/hoi-chung-khi-ngu-vo-cung-nguy-hiem-10-giay-co-the-khien-dot-quy-va-nhoi-mau-co-tim-129983.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hội chứng ngưng thở khi ngủ vô cùng nguy hiểm, 10 giây có thể khiến đột quỵ và nhồi máu cơ tim
    POWERED BY ONECMS & INTECH