Sau nửa đầu năm 2023, giá trị bán ròng của khối ngoại tại cổ phiếu EIB (Eximbank) đã vượt mức bán ròng trong cả năm trước đó. Được biết, EIB cũng là cổ phiếu bị xả mạnh nhất năm 2022.
Phiên 7/7, VN-Index tăng 11,85 điểm lên mức cao nhất tuần - 1.138 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành bệ đỡ cho thị trường hồi phục. Cùng với VCB, SHB, STB, cổ phiếu EIB chính thức ngắt chuỗi 4 phiên điều chỉnh khi tăng 1,5% lên mức mốc 20.250 đồng/cp. Thanh khoản đến cuối phiên đạt 4,3 triệu đơn vị.
Điều đáng nói, khối ngoại bất ngờ xả bán (thỏa thuận) hơn 34 triệu cổ phiếu Eximbank với giá trị gần 700 tỷ đồng.
Trước đó, gần 34,4 triệu cổ phiếu EIB cũng đã bị khối ngoại xả bán trong phiên 30/5.
Tính từ đầu năm, gần 250 triệu cổ phiếu EIB đã bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ra - tương ứng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng (tính theo giá trung bình 21.800 đồng/cp trong giai đoạn này).
Trước đó trong năm 2022, EIB đã vượt mặt HPG của Tập đoàn Hòa Phát để trở thành cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với hơn 4.940 tỷ đồng. Động thái xả hàng diễn ra trong bối cảnh cơ cấu cổ đông và nhân sự của Eximbank cùng có thay đổi lớn qua đó cũng là tác nhân khiến EIB giảm 17% trong năm này.
Top cổ phiếu được khối ngoại mua/bán mạnh nhất năm 2022 |
Đầu tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn Thành Công đã bán toàn bộ hơn 117 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 9,6%). Kế đó, 2 thành viên HĐQT có liên quan tới Tập đoàn Thành Công là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại cũng đã có đơn từ nhiệm khỏi ban lãnh đạo Eximbank vì lý do cá nhân.
Như vậy, tính từ đầu năm 2022 tới nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 10.400 tỷ đồng cổ phiếu EIB (Eximbank).
Theo quan sát, kể từ sau khi rơi khỏi vùng giá 35.x đồng hồi cuối tháng 10/2022, cổ phiếu EIB chủ yếu biến động quanh mức 19.000 đồng/cp từ đầu tháng 2 đến nay. Các giao dịch chủ yếu được thực hiện bởi dòng tiền đầu cơ và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bên cạnh các động thái bán ròng của khối ngoại, EIB cũng được biết đến là cổ phiếu thường xuyên xuất hiện phiên giao dịch có khối lượng thỏa thuận lớn (cao hơn cả khớp lệnh trong phiên).
Cụ thể phiên 7/7, EIB ghi nhận 34,4 triệu đơn vị (giá trị 730 tỷ đồng - tương đương giá thảo thuận cao hơn 5% giá đóng cửa); hiên 30/5 với 35,9 triệu cổ phiếu, phiên 24 và 29/5 với lần lượt 31 và 32,6 triệu đơn vị được sang tay. Khối lượng giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu Eximbank cũng giao động từ 3 - 20 triệu cổ phiếu
Cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận nhiều đã không còn xa lạ trên thị trường chứng khoán. Các giao dịch gần đây của cổ phiếu này được đồn đoán xoay quanh việc ngân hàng tiếp tục thay Chủ tịch HĐQT.
Ngày 28/6 vừa qua, thông tin bà Đỗ Hà Phương được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank thay thế bà Lương Thị Cẩm Tú. Đại diện Eximbank cho biết để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT Eximbank đã tổ chức họp theo đúng quy định. Theo đó, bà Đỗ Hà Phương nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các thành viên HĐQT ngân hàng.
"HĐQT ngân hàng nhận định: Lãnh đạo là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thành công trong kinh doanh và tăng vị thế ngân hàng trên thị trường, do đó, ngân hàng cần lựa chọn đúng người, đúng thời điểm và đúng vị trí. Quan trọng nhất là có đủ đức, tâm và tài, phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng của ngân hàng trong từng giai đoạn", thông cáo viết.
Tuy nhiên ngay sau đó, thông tin một nhóm cổ đông đòi miễn nhiệm tân Chủ tịch chỉ sau 1 ngày tiếp tục gây chú ý dư luận.
Phía Eximbank thông báo 18/7 tới đây sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để tổ chức ĐHCĐ bất thường (dự kiến tổ chức ngày 18/9) nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) và một số nội dung liên quan.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm