Doanh nghiệp

Hơn 200 tập đoàn thế giới sắp đến Việt Nam, cơ hội dành cho những ngành nào?

Giai Nhi 14/08/2023 14:09

Khoảng 200 tập đoàn quốc tế từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ đến sự kiện “Vietnam International Sourcing 2023” để thu mua, tìm bạn hàng, đối tác, đơn hàng.

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Toạ đàm, phỏng vấn giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành dệt may, nông sản và thực phẩm chế biến, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các kênh phân phối, thu mua quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế

Tham dự buổi toạ đàm có các đại diện đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, thực phẩm; các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và SIPPO; các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và chi nhánh Thương vụ tại San Francisco và các Cơ quan thông tấn, báo chí. Toạ đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thông tin tại buổi tọa đàm cho biết, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023).

Sự kiện diễn ra từ ngày 13-15/9/2023 bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023.

Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp được lựa chọn để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế đều là doanh nghiệp đã đạt các chứng chỉ quốc tế, có sản phẩm chất lượng cao ở các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và các nhà phân phối, bán lẻ quốc tế có nhu cầu như: Thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề cập đến vấn đề nhiều hiệp hội tham gia chuỗi cung ứng (gia công) cho một số nhà bán lẻ nước ngoài. Bộ cho biết, mặt hàng hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận được các đối tác, kênh phân phối lớn.

Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sức tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ là rất lớn, mong muốn của các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam là tiếp cận được các nhà nhập khẩu lớn, nhưng chủ yếu làm việc qua email nên vào mục “spam” rất nhiều, bạn hàng không chú ý.

Ông Charles Mordret, chuyên gia thực phẩm chế biến và nguyên liệu tự nhiên, Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) khuyến cáo, chỉ gửi email là không đủ, cần phải biết người nhận là ai và phải chú ý tinh chỉnh nội dung trong các email để đối tác tin tưởng thông tin của mình. Bên cạnh email, các doanh nghiệp cũng cần khai thác tối ưu các mạng xã hội để tiếp cận bạn hàng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, hiện Bộ Công Thương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam, qua đó hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu gần 80.000 ô tô nguyên chiếc

Báo động đỏ liên quan doanh nghiệp bị lừa đảo khi xuất khẩu

Các nhà đầu tư Hàn Quốc rót bao nhiêu tỷ USD vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hon-200-tap-doan-the-gioi-sap-den-viet-nam-co-hoi-danh-cho-nhung-nganh-nao-196433.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hơn 200 tập đoàn thế giới sắp đến Việt Nam, cơ hội dành cho những ngành nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH