Tận dụng thị trường mà OpenAI và Google còn để ngỏ, các công ty công nghệ Trung Quốc đang kiếm được lợi nhuận đáng kể từ xu hướng cá nhân hóa trong phát triển chatbot AI.
Các công ty công nghệ hàng đầu (BigTech) của Trung Quốc đang kiếm được lợi nhuận béo bở nhờ những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Trang web bán hàng trực tuyến Taobao của Tập đoàn Alibaba gần đây đã giới thiệu một trợ lý ảo có tên Duxiaoxiao, được hỗ trợ bởi chatbot AI của Baidu, Ernie Bot.
Trợ lý mua sắm ảo Duxiaoxiao được thiết kế riêng, phù hợp với sở thích của từng người mua, mang lại trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa.
Meituan, một gã khổng lồ về dịch vụ giao hàng nổi tiếng của Trung Quốc, cũng đã tham gia vào thị trường kinh doanh AI tạo sinh với chatbot riêng có tên Wow.
Được mô tả là “cộng đồng những người bạn AI dành cho giới trẻ”, Wow sử dụng một số mô hình AI nền tảng để cung cấp cho người dùng trải nghiệm trò chuyện tùy chỉnh.
Mặc dù vẫn đang phát triển và trong giai đoạn thử nghiệm, Wow được giới thiệu có chức năng thiết lập kết nối cá nhân với người dùng thông qua các cuộc trò chuyện thân thiện và có tính tương tác cao.
Những sản phẩm chatbot AI độc đáo này phản ánh sự nỗ lực của các BigTech Trung Quốc trong việc tạo ra các dịch vụ AI đa dạng cho cả người dùng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, bất chấp chi phí ngày càng tăng liên quan đến việc xây dựng, cải tiến các mô hình và sản phẩm AI.
Các công ty như Baidu và Alibaba ngày càng tăng cường tiếp thị các dịch vụ AI cho nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, pháp lý, giải trí, vận tải và nhiều lĩnh vực khác.
Mặc dù thị phần của AI tạo sinh đến tổng doanh thu vẫn còn tương đối nhỏ so với các hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng các BigTech Trung Quốc đang tích cực tìm cách mở rộng đóng góp của lĩnh vực này trong hoạt động kinh doanh tổng thể.
Qianfan của Baidu, một mô hình chatbot AI dịch vụ, cho phép khách hàng truy cập vào một loạt các mô hình chatbot AI chuyên môn hóa với mức giá cạnh tranh.
Cấu trúc định giá dựa trên nhu cầu sử dụng mã thông báo (token) - đơn vị văn bản mà chatbot AI đọc và tạo. Bên cạnh đó, Baidu đã cho ra đời chatbot nâng cấp Ernie Bot 4.0 mạnh mẽ hơn, với mức giá cao hơn hẳn trên mỗi đơn vị 1.000 token (khoảng 750 từ văn bản), phản ánh rõ rệt sự phức tạp ngày càng tăng và nhu cầu về sử dụng các công nghệ AI tiên tiến.
Ngược lại với cách tính chi phí mang tính ‘thực dụng’ của Baidu, OpenAI hiện vẫn duy trì cách tính phí theo tháng, ở mức 20 USD cho tư cách thành viên ChatGPT Plus, cho phép khách hàng nhận được phản hồi nhanh hơn và quyền truy cập vào mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4.
OpenAI hiện vẫn rất tự tin về sự phổ biến rộng rãi của ChatGPT, với hơn 100 triệu người dùng hoạt động hằng tuần trên toàn cầu.
Thông qua các chatbot AI được cá nhân hóa và các dịch vụ AI được nhắm mục tiêu, các BigTech của Trung Quốc đang đưa công nghệ AI vào đời sống nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các quy định nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc và việc hạn chế phê duyệt đối với các dịch vụ AI trong nước có thể đặt ra thách thức đối với sự phát triển của chatbot AI ở nước này.
Tuy nhiên, nhu cầu thực tế và tham vọng chinh phục công nghệ của các BigTech Trung Quốc sẽ vượt qua được các rào cản này, được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa trải nghiệm của người dùng, xóa mờ hơn nữa ranh giới tương tác giữa con người và AI.
(theo SCMP)
Chuyên gia: Trung Quốc cần hơn 500 tỷ USD để tái khởi động nền kinh tế
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc bứt phá, hướng tới kỷ lục chưa từng có