IMF mới đây cho biết, thể chế này sẽ hoãn công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế Thế giới do ảnh hưởng của biến thể mới Omicron.
Ngày 4/1 vừa qua, ông Gerry Rice, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới sẽ được công bố vào ngày 25/1, muộn hơn 1 tuần so với kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân được IMF đưa ra là để thể chế này có thể tổng hợp thông tin mới nhất về những tác động của dịch COVID-19 đối với các chỉ số kinh tế.
Trước đó trong tháng 12/2021, Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết nhiều khả năng cơ quan này sẽ hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng 1/2022 do những lo ngại liên quan đến sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Vào tháng 10/2021, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,9% vào năm 2021 và 4,9% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này giảm nhẹ so với mức 6% đưa ra trước đó và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%. IMF đồng thời nhấn mạnh dự báo này có thể không chắc chắn do các biến thể của COVID-19 mới gây ra.
Trong dự báo công bố vào tháng 10, IMF cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ còn 6% trong năm 2021 do tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu lao động. Theo IMF, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 5,2% vào năm 2022.
Đồng thời, thể chế này cũng dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng cao nhất trong nhóm 5 nước ASEAN. Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng 3,8% trong năm 2021 (so với năm 2020 là 2,9%).
4 nước còn lại gồm Indonesia, Thái Lan, Phillipines, Malaysia năm ngoái đều tăng trưởng âm, dự báo tăng trưởng năm 2021 cũng chỉ ở dưới 3,5%. Thậm chí, IMF dự báo Thái Lan chỉ tăng trưởng 1% trong khi năm 2020, GDP tăng trưởng âm 6,1%. Một số nước khác trong khu vực có cũng tốc độ tăng GDP tốt như Singapore hay Trung Quốc.