Đây là những lăng mộ cổ khiến giới nghiên cứu "đau đầu" vì phải tranh cãi về danh tính nhân vật được chôn dưới mộ.
Lăng Bà Chúa
Trong khu nghĩa trang làng Linh Đường, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có một lăng mộ cổ đồ sộ. Công trình được ghép từ những phiến đá vuông vức, lăng mộ có bình đồ hình chữ nhật với chiều dài 4,1m, rộng 3m, chiều cao từ đỉnh xuống chân khoảng 3m.
Lăng mộ cổ này đã tồn tại từ rất lâu đời và không còn một ai biết về lai lịch của người nằm dưới mộ. Người dân chỉ gọi đây là lăng Bà Chúa. Năm 1989, một đoàn khảo sát đã tiến hành khai quật lăng mộ. Trong quan tài là xác ướp một người đàn bà cao khoảng 1,5m, tuổi khoảng từ 62-64.
Các nhà nghiên cứu nhận định, lăng mộ đá cổ này có thể là nơi an nghỉ của bà chúa Nguyễn Thị Hoa Dung, vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ chúa Trịnh Sâm. Sau ngày khai quật, thi hài người phụ nữ đã được trả về chỗ cũ. Danh phận của bà vẫn chưa được chính thức xác nhận cho đến ngày nay.
Hiện nay, để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, một am thờ nhỏ đã được xây phía trước lăng mộ.
Nơi an táng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ
Nơi an táng Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ là một trong những ẩn số lớn của lịch sử Việt Nam. Nhiều giả thiết đã được đưa ra, trong đó có ý kiến cho rằng lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh, ngoại thành của Huế mới đúng là lăng mộ vị hoàng đế vĩ đại triều Tây Sơn.
Theo đó, lăng gồm ba vòng thành tròn ghép lại. Nấm mộ có vách rất dày, bị bạt góc trái theo kiểu chém “tả đao” dành cho tử tù thời phong kiến, để kéo quan tài ra khỏi mộ. Quanh khu lăng mộ tồn tại những dấu tích của một nơi an táng bậc đế vương như hồ tân nguyệt, nhà bia, cổng tam quan, vườn lăng…
Quy mô to lớn khác thường, những yếu tố kiến trúc đặc biệt cùng sự trừng phạt thảm khốc và lãng quên trong suốt triều Nguyễn khiến nhiều người tin rằng lăng Ba Vành chính là nơi an nghỉ của Hoàng đế Quang Trung. Dù vậy, đây vẫn chỉ là một giả thuyết chưa được kiểm chứng xác thực.
Mộ Tướng Quân
Bên vệ đường quốc lộ 1A thuộc phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) có một ngôi mộ cổ rất đặc biệt. Người dân địa phương không biết mộ này là của ai, được xây từ khi nào, chỉ biết rằng từ nhiều thập niên qua khu mộ đã được gọi là mộ Tướng Quân hay mộ Ông Tướng.
Đây là một ngôi mộ cổ có quy mô khá bề thế. Trong hàng thế kỷ qua, đã có nhiều tranh cãi xung quanh danh tính của người nằm dưới mộ. Có ý kiến cho rằng chủ nhân ngôi mộ là một ông tướng người Chăm, nhưng cũng có người khẳng định đó là một ông tướng triều Tây Sơn...
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nghệ cho rằng người nằm dưới mộ là ông Tống Văn Khôi, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777). Năm 1775, ông giao chiến với quân Tây Sơn ở Ba Ngòi, bị thương nặng và chết tại đây.
Phần mộ Võ Tánh
Trên đường Nguyễn Thái Bình ở phường 12, quận Tân Bình (TP. HCM) có một ngôi mộ cổ to lớn. Bia mộ ghi chữ quốc ngữ dựa trên bia chữ Hán cũ: “Đại Nam quốc. Phần mộ Võ Tánh, mất ngày 27/7/1801 năm Tân Dậu”. Theo đó, người nằm dưới mộ là tướng Võ Tánh của nhà Nguyễn.
Những dòng chữ trên bia mộ khiến cho giới nghiên cứu lịch sử bối rối, vì ngôi mộ chính của tướng Võ Tánh nằm trong thành Hoàng Đế ở Bình Định. Ngoài ra, triều đình còn xây một mộ gió ở Gia Định, nay thuộc quận Phú Nhuận, (TP. HCM) chứ không có sử liệu nào nhắc đến "ngôi mộ thứ ba" này.
Mặc dù không rõ người ta dựng bia ngụy tạo ngôi mộ Võ Tánh ở quận Tân Bình như vậy vì lý do gì, nhưng với quy mô lớn như vậy, đây chắc chắn là mộ của một vị đại quan hoặc người có thế lực, giàu có nào đó.
>> Lăng mộ cổ bất khả xâm phạm ẩn dưới lòng hồ, được bảo vệ bởi 3.000 thanh kiếm quý báu