Khánh Hòa lọt vào tầm ngắm của ông lớn Nhật Bản
Khánh Hòa sắp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong tháng 9/2023 để mở ra cơ hội hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Thời gian qua, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống và có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là đối tác đầu tư hiệu quả và có số vốn lớn trên địa bàn tỉnh. Trong 119 dự án FDI tại Khánh Hòa, Nhật Bản tuy chỉ có 7 dự án nhưng chiếm hơn 61% tổng vốn đăng ký đầu tư (khoảng 2,7 tỷ USD/4,39 tỷ USD).
Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo làm chủ đầu tư với công suất 1.320MW, tổng vốn đăng ký 2,58 tỷ USD, hiện đã đi vào vận hành tổ máy số 1, dự kiến trong tháng 8 sẽ vận hành tổ máy số 2. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhưng khi Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào vận hành chạy thử nghiệm đã làm cho chỉ số sản xuất của ngành Điện tăng 54,65% so với cùng kỳ năm trước, góp phần duy trì mức tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt 6,36%.
Trong những năm trước, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt vấn đề ký kết với doanh nghiệp Khánh Hòa mở tour du lịch tại Nha Trang; tỉnh Khánh Hòa đã ký kết bản ghi nhớ giữa tổ công tác Nhật Bản với Công ty TNHH Đại dương xanh nhân bản quốc tế, Công ty TNHH H.Mlaboratory. Công ty Nanotek International cũng đặt vấn đề nghiên cứu tại 2 dự án Nhà máy Sản xuất thiết bị xe điện với vốn đầu tư khoảng 125 triệu USD và hạ tầng Khu Công nghiệp Ninh Thọ với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động này bị gián đoạn, các thỏa thuận trước đó chưa thực hiện được.
Xác định doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành nối lại hoạt động xúc tiến đầu tư. Các lĩnh vực kêu gọi đầu tư chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng, đô thị, kết nối du lịch, như: Sản xuất thiết bị gia dụng, thiết bị năng lượng, cơ khí chính xác, lắp ráp ô tô, chế biến nông - lâm - thủy sản, đóng tàu, cảng biển, logistics…; tập trung thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, quảng bá xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch, mở đường bay thẳng tới Nhật Bản.
Đồng thời, cung cấp thêm nhiều thông tin để cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật Bản hiểu rõ về tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu mong muốn hợp tác đầu tư của Khánh Hòa.
Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản dự kiến tổ chức tại TP. Nha Trang, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên Cổng Thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh, với khoảng 300 đại biểu đến từ bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia; về phía Nhật Bản có sự tham dự của đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chương trình sẽ tập trung giới thiệu tổng quan về tỉnh Khánh Hòa, Khu Kinh tế Vân Phong và định hướng kêu gọi đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Khánh Hòa; ký kết biên bản ghi nhớ về hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới... Ngoài hoạt động chính còn có các hoạt động bên lề, như: Tham quan các khu di tích, danh thắng, điểm du lịch, giao lưu golf, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát, tham quan một số cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa...
Nhật Bản là đối tác quan trọng và chiến lược trong thu hút đầu tư của tỉnh. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến với doanh nghiệp Nhật Bản và đã thu được những kết quả nhất định. Hội nghị xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 10/9, là một trong những hoạt động quan trọng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023).
7 doanh nghiệp của Nhật Bản đã đầu tư tại Khánh Hòa gồm: Công ty TNHH Ngọc trai Sài Gòn (tổng vốn 5 triệu USD); Công ty TNHH Thực phẩm Yamato (tổng vốn 4 triệu USD); Công ty TNHH Fujiura Nha Trang (tổng vốn 650.000 USD); Công ty Thực phẩm Anh Đào (tổng vốn 5 triệu USD); Công ty TNHH Taisho Việt Nam (tổng vốn 11,8 triệu USD); Công ty Liên doanh Sài Gòn Nha Trang (tổng vốn 7,8 triệu USD); Tập đoàn Sumitomo, đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (tổng vốn đăng ký 2,58 tỷ USD).
FPT 'bắt tay' với ông lớn Nhật Bản vốn hóa 41,5 tỷ USD để phát triển ngành ô tô
Cánh đồng hoang hồi sinh nhờ ‘thành phố chip’, Nhật Bản đặt cược lớn để tìm lại ánh hào quang