Khi Covid-19 hiện vẫn trong tình trạng chưa được kiểm soát, tâm lý của nhiều nhà đầu tư bất động sản cũng có sự thay đổi.
Theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch bất động sản (BĐS) đối với nhà ở trong quý II tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với quý I cũng như cùng kỳ năm 2020. Đối với căn hộ chung cư, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá giao dịch vẫn tăng khoảng 5 - 7% và được dự báo có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới, do chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm.
Thực tế này đã không đáp ứng kỳ vọng giá nhà sẽ giảm do dịch Covid-19, nhưng theo các chuyên gia, đây là thời điểm để đầu tư dài hạn hoặc mua nhà để ở. Bởi với dân số tăng nhanh, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh cũng tăng theo, về lâu dài các BĐS vẫn có tiềm năng tăng giá.
Do vậy, dù trong giai đoạn dịch Covid-19, BĐS vẫn là kênh đầu tư có giá trị thực, khác hẳn với kênh chứng khoán, vàng... do được ngân hàng bảo lãnh cho vay. Đồng thời, chủ sở hữu BĐS có thể dùng tài sản này để thế chấp, sản sinh ra dòng tiền phục vụ nhu cầu đầu tư khác hoặc kinh doanh sinh lời. Nếu đủ tiềm lực tài chính, nhà đầu tư (NĐT) vẫn có thể lựa chọn BĐS bởi sẽ là kênh đầu tư an toàn, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Nhằm cải thiện tâm lý đầu tư, nhiều doanh nghiệp BĐS đang tung ra các chính sách khuyến mãi hấp dẫn như hoàn tiền, chiết khấu cho khách hàng thân thiết, kéo dài thời gian thanh toán, phương thức thanh toán linh hoạt, hay chương trình nhận trực tiếp sổ tiết kiệm, gói bảo hiểm sức khoẻ đến từ Đất Xanh, An Gia, Phú Đông…
Ngược lại, thị trường BĐS hiện tại lại đang gây sức ép lên các NĐT “lướt sóng”. Đối mặt với áp lực về dòng tiền do phải trả gốc, lãi vay ngân hàng, nhiều NĐT “lướt sóng” đã buộc phải bán cắt lỗ các sản phẩm BĐS hoặc đối mặt với tình trạng “giữ không được, bán không xong”. Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, muốn thành công trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, NĐT luôn phải chuẩn bị tiềm lực tài chính tương đương 30 – 50% giá trị BĐS đầu tư.