Khu vực có trữ lượng vàng khổng lồ, tập trung nhiều mỏ vàng nhất Việt Nam
Cả nước hiện đã phát hiện gần 500 mỏ vàng, trong đó có gần 30 nơi đã được tìm kiếm thăm dò và đánh giá trữ lượng với số lượng khoảng 300 tấn vàng.
Quặng vàng là loại khoáng sản quý giá của mỗi quốc gia và cũng là tiềm lực kinh tế rất lớn để phát triển đất nước. Quặng vàng cấu tạo từ thành phần tự nhiên, xuất hiện do lớp bồi tích của vỏ Trái Đất. Ngày nay, vàng thường có lẫn trong đá và được tìm thấy ở dạng quặng bởi những nguyên tố vàng sẽ bị nóng chảy rồi liên kết với nhau qua sự vận động của lớp vỏ Trái Đất và nhiệt độ.
Tính đến năm 2023, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng vàng ở dưới lòng đất còn khoảng 57.000 tấn, tức là khoảng 20% lượng vàng được phát hiện vẫn chưa được khai thác. Điều này đồng nghĩa thế giới có thể khai thác hết vàng trong hơn 17 năm nữa.
Mặc dù không thuộc những mỏ vàng lớn của thế giới nhưng Việt Nam cũng được ước tính là có vài trăm đến vài nghìn tấn vàng. Nước ta hiện có khoảng 500 điểm khai thác vàng trên cả nước. Tuy nhiên lại có không nhiều các mỏ quặng vàng lớn với trữ lượng cao trên 300 tấn vàng. Hầu hết các mỏ vàng đều tập trung ở miền núi phía Bắc.
Theo kết quả thăm dò một số loại khoáng sản đã được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt trữ lượng trong 5 năm qua (từ năm 2015 - 2020), cả nước có khoảng 25.084 kg vàng gốc.
Vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi... với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn. Theo đánh giá của Bộ Công nghiệp, đây là vùng vàng có triển vọng cần được đầu tư khảo sát, thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến và hình thành khu công nghiệp vàng có công suất khoảng 1 tấn vàng/năm.
Vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, bao gồm các mỏ Pắc Lạng, Khau Âu (Bắc Kạn), mỏ Bồ Cu (Thái Nguyên) và Nam Quang (Cao Bằng). Trong đó, mỏ vàng Pắc Lạng đã được Công ty BRGM (Pháp) dự báo có 30 tấn, mỏ vàng Bồ Cu đã được đánh giá ở phần nông có trữ lượng 1.700 kg.
Vùng Nà Pái (Lạng Sơn) có diện tích phân bổ rộng nhưng hàm lượng nghèo. Toàn vùng dự báo có đến 30 tấn vàng, trong đó khu vực trung tâm Nà Pái tuy đánh giá trữ lượng 3,3 tấn vàng nhưng chưa có khả năng khai thác vì vàng ở đây hạt nhỏ, công nghệ thu hồi phức tạp.
Dù là khu vực có nhiều mỏ vàng nhất nhưng mỏ vàng lớn nhất Việt Nam lại không nằm ở khu vực miền núi phía Bắc. Cụ thể, mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) được đánh giá là hai trong số những mỏ có trữ lượng vàng lớn (tổng khoảng 20 tấn). Trong đó, theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Ảnh: Người Lao Động. |
Đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với khoáng sản vàng, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò thuộc các mỏ Sang Sui - Nậm Suông, Pusancap - khu I tỉnh Lai Châu, các khu vực Cắm Muộn, Huổi Cọ (Bản San), Bản Bón tỉnh Nghệ An, khu vực A Đăng tỉnh Quảng Trị, khu vực A pey B - tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực Ma Đao tỉnh Phú Yên.
Bên cạnh đó, thăm dò mới, thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng các điểm mỏ tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên với mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 101 tấn vàng.
Trong giai đoạn 2031 – 2050 sẽ thăm dò bổ sung, thăm dò mở rộng và thăm dò mới từ 5 điểm mỏ, điểm khoáng hóa mới phát hiện với mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 232 tấn vàng kim loại.
Bên cạnh đó, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ duy trì các dự án chế biến, luyện, tinh luyện vàng hiện có với công suất đạt khoảng 6.146 kg/năm. Đầu tư mới các cơ sở luyện vàng tại Lai Châu, Tuyên Quang và mở rộng các dự án hiện có đáp ứng nhu cầu chế biến của các cơ sở khai thác.
Trung Quốc phát hiện mỏ dự trữ vàng khổng lồ, trị giá 83 tỷ USD
Ông Donald Trump có thể mở ra ‘kỷ nguyên vàng’ cho tiền điện tử, Binance hưởng lợi ra sao?