7 hiệp hội ngành hàng kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP. HCM đến hết năm nay; đồng thời điều chỉnh giảm các mức thu xuống theo hướng công bằng và đồng bộ.
Trong thư kiến nghị vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và HĐND, UBND TP. HCM về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố, 7 hiệp hội ngành hàng nêu rõ:
Mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. HCM là khá cao, thời gian áp dụng chưa phù hợp.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các lô hàng mở tờ khai hải quan ngoài TP. HCM phải chịu mức phí cao gấp đôi đối với các lô hàng mở tờ khai hải quan tại thành phố. Điều này là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP. HCM càng nhiều, gây quá tải số tờ khai nộp tới Hải quan TP. HCM và khiến cán bộ hải quan thành phố quá tải trong xử lý công việc, gây ắc tắc việc khai báo, dẫn đến chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mức phí áp dụng đối với hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng rất cao so với các mức phí của hàng xuất nhập khẩu.
Các hiệp hội lấy ví dụ: Kho ngoại quan đang trữ nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu phục vụ gia công xuất khẩu nhưng bị áp phí sử dụng hạ tầng cảng biển rất cao; mức phí áp đối với container cao gấp 8,8 lần và hàng lỏng, hàng rời là 3,3 lần so với mức phí tương ứng của lô hàng xuất khẩu khẩu mở tờ khai tại thành phố.
Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị còn cho biết, các lô hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu phải đóng phí 2 lần.
Do đó, 7 hiệp hội ngành hàng kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP. HCM đến hết 31/12/2022, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời điều chỉnh các mức thu giảm xuống theo hướng công bằng và áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20ft; 500.000 đồng/container với container 40ft; mức thu 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP. HCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết số 10/2020 về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. HCM. Trong đó, hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu có mức phí 2,2 triệu đồng đối với container 20 ft và mức phí là gấp đôi đối với container 40ft.
Hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP. HCM có mức phí 500.000 đồng/container đối với container 20ft hàng khô và và 1,1 triệu đồng đối với container 40ft.
Hàng lỏng, hàng rời, không đóng container là 30.000 đồng/tấn.
Hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai trên địa bàn thành phố có mức phí 250.000 đồng/container đối với container 20ft hàng khô và mức phí là gấp đôi với container 40 ft. Mức phí đối với hàng lỏng, hàng rời là 15.000 đồng/tấn.
Theo lộ trình, TP. HCM thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố từ 1/7/2021 nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19, UBND thành phố đã lùi thời gian thực hiện thu phí đến 1/10. Sau đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố tiếp tục lùi đến 1/4/2022.
Ngày 17/2 vừa qua, UBND thành phố có văn bản về việc chạy thử hệ thống thu phí nhưng chưa thu tiền trong thời gian 17/2-15/3, trước khi đưa vào thu phí chính thức từ 1/4.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, việc thu phí vừa nêu là để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.
7 hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA).