Vĩ mô

Kiến nghị tăng giá điện lần 2: Chưa… phù hợp

Gia Nguyễn 02/08/2023 - 07:47

Trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá điện lần 2 là chưa phù hợp…

Theo đó, tại Hội thảo về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050 vừa diễn ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

EVN) đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về việc tiếp tục tăng giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh - Ảnh minh họa: ITN

Lý giải cho kiến nghị này, EVN cho biết, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì từ tháng 7 đến tháng 12/2023, dự kiến EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện tại, doanh nghiệp đang nợ tiền của các đơn vị phát điện nhằm đảm bảo dòng tiền thanh toán chi phí mua than, dầu, khí phục vụ sản xuất điện.

Cũng theo đơn vị này, giai đoạn 2020 – 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa theo định mức từ 10-50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, EVN tiếp tục cắt giảm do không cân đối được tài chính, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là hơn 94.800 tỷ đồng, với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN sẽ gặp những rủi ro như không thể trả nợ đúng hạn, đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.

Vì vậy, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính như kiến nghị tăng giá bán lẻ điện theo biến động các thông số đầu vào để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó, giá điện sẽ tăng có lộ trình.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh còn không ít khó khăn, thách thức như hiện nay, thì việc tăng giá điện là chưa phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; có hướng dẫn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tập đoàn vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện; cho phép EVN tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp với khả năng tài chính cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời.

Trước kiến nghị của EVN về việc tiếp tục tăng giá điện, không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng giá điện lần 2 là chưa phù hợp, cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tránh tạo ra tác động kép.

Theo chuyên gia thương mại - Vũ Vinh Phú, việc EVN muốn tăng giá điện theo biến động các thông số đầu vào cũng hợp lý, nhưng trước tiên, cần minh bạch các con số đầu vào, nếu kiểm toán, thanh tra làm rõ số lỗ là do khách quan thì buộc phải tăng giá điện. EVN kiên quyết xin tăng giá điện lúc này rất dễ tạo cú sốc cho doanh nghiệp và người dân, bởi nền kinh tế năm nay quá nhiều khó khăn. Đơn hàng doanh nghiệp giảm, người lao động thất nghiệp, vật giá thực phẩm thiết yếu tăng chưa thấy điểm dừng…

Đồng quan điểm đã nêu, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá điện vì chi phí sản xuất tăng, nếu hợp lý thì không có gì để bàn. Hơn nữa, theo quy định, 6 tháng xem xét điều chỉnh tăng giá 1 lần và thẩm quyền của EVN có quyền tăng 3%, như vậy, giá điện mới tăng từ ngày 4/5 vừa qua thì đến tháng 11 có thể điều chỉnh giá lần nữa. Tuy nhiên, tăng giá điện lúc này thỏa đáng theo quy định, nhưng chưa thỏa đáng theo thực tế, bởi chuyện lỗ lãi đến nay vẫn chưa được làm rõ và chưa thuyết phục được số đông.

Xoay quanh kiến nghị tăng giá điện, thông tin với báo chí, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, theo Luật Giá, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển, kể cả cuộc sống của những người làm trong ngành điện. Vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành, ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

“Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, trong đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tác động kép của việc tăng giá điện vào cuối năm”, ông Lâm bày tỏ.

Được biết, theo báo cáo của EVN hồi tháng 6, trong 5 tháng đầu năm, Công ty mẹ EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.305 tỷ đồng. Nếu tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến bất lợi, giá các loại nhiên liệu vẫn giữ như hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp thì dự kiến cả năm 2023 EVN sẽ lỗ khoảng 51.468 tỷ đồng; tổng lũy kế số lỗ cả năm 2022 - 2023 là gần 78.000 tỷ đồng. Việc tiếp tục lỗ khiến EVN gặp nhiều khó khăn, dự kiến từ tháng 7 năm nay, tập đoàn sẽ bị thiếu hụt dòng tiền có thể lên tới trên 9.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2023 sẽ thiếu hụt dòng tiền khoảng 22.000 tỷ đồng…

Donald Trump đề cử Elon Musk vị trí bộ trưởng, Bitcoin tăng giá 'điên rồ'

Bộ trưởng Công Thương: Chậm một ngày sẽ chậm nhiều năm trong thu hút đầu tư

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/kien-nghi-tang-gia-dien-lan-2-chua-phu-hop-248430.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kiến nghị tăng giá điện lần 2: Chưa… phù hợp
    POWERED BY ONECMS & INTECH