40 tỷ đồng nộp vào ngân sách sau khi loạt sao mạng bị cơ quan Thuế ‘sờ gáy’
Nhiều người nổi tiếng bán hàng trên mạng xã hội chủ động kê khai, khắc phục nộp vào ngân sách trên 40 tỷ đồng, theo Phó trưởng Thuế TP Hà Nội.
Ngày 10/7, tại hội nghị sơ kết ngành thuế 6 tháng, ông Phan Tiến Hòa, Phó trưởng Thuế TP Hà Nội cho biết nhiều hộ, cá nhân kinh doanh là người nổi tiếng trên mạng xã hội như KOC, KOS, KOL làm chủ đã chủ động kê khai, khắc phục nộp vào ngân sách trên 40 tỷ đồng.
Cùng với đó, hộ, cá nhân kinh doanh chủ động nộp thuế qua cổng thương mại điện tử khoảng 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước. Ông nhấn mạnh, người dân đã dần dần nhận thức rõ được trách nhiệm, hậu quả pháp lý khi không thực hiện, cố tình trốn tránh nộp thuế.
Từ đầu năm, cơ quan này chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý một số vụ việc vi phạm quy mô lớn. Gần nhất, Thuế TP Hà Nội phối hợp Công an thành phố phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan đến trốn thuế.
Cụ thể, vụ TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty cổ phần Dược Hoa Kỳ có doanh thu lớn, cả online và tại cửa hàng, nhưng không xuất hóa đơn, kê khai thuế đầy đủ. Vụ việc gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Tương tự, vụ Công ty TNHH MI Hà Nội do Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng.
Hay vụ Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) kinh doanh, bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng qua Facebook, theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, doanh thu phát sinh hơn 834 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay, người bán không kê khai, nộp thuế.
![]() |
Ông Phan Tiến Hòa, Phó trưởng Thuế TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị, ngày 10/7. Ảnh: Cục Thuế |
Ông Hòa cũng cho biết thêm, cơ quan Thuế đang ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích kho dữ liệu lớn thu thập từ các sàn thương mại điện tử, ngân hàng, mạng xã hội. Qua đó nhận diện các trường hợp phát sinh doanh thu từ kinh doanh thương mại điện tử, để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Lãnh đạo cơ quan Thuế Hà Nội cho rằng kinh doanh trên nền tảng số cần đi cùng với trách nhiệm thuế. Cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng tới tổ chức, cá nhân vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho ngân sách.
Cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000-97.000 tỷ đồng của hai năm trước đó.
>> Thuế thu từ thương mại điện tử gần 100.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ