Vĩ mô

Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ có thể đạt trên 100 tỷ USD 3 năm liên tiếp

Khúc Văn 30/07/2024 - 17:08

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 2 con số và đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 2 con số

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng ở mức hai con số là kết quả khả quan khi hầu hết các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam đều có mức tăng trưởng thấp hoặc dưới 0%.

Bộ Công Thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo - Ảnh minh họa
Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng 2 con số.

Dẫn số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, ông Hưng cho biết, sau 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 55,1 tỷ USD, tăng 24% (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), thặng dư thương mại đạt 48 tỷ USD đóng góp chung vào tổng thặng dư thương mại của Việt Nam là 12 tỷ USD.

Trong 6 tháng cuối năm, ông Hưng cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với năm thứ 3 liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu truyền thống của Việt Nam với mẫu mã cải tiến và giá thành cạnh tranh sẽ tiếp tục đóng góp vào đà tăng trưởng như dệt may, da giày, đồ gỗ và nội thất, điện tử, máy móc thiết bị,..., với thị trường hơn 300 triệu người tiêu dùng gồm nhiều sắc dân tại Mỹ.

Lý giải cho dự báo này, ông Hưng cho biết một phần do nhu cầu thị trường tăng trở lại. Các sản phẩm trong kho đã sử dụng hết, đồng thời người dân Mỹ “tích trữ” đề phòng những biến động có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, mùa đông và mùa mua sắm cuối năm cũng khiến nhu cầu nhập khẩu đối với các sản phẩm của Việt Nam gia tăng.

Đặc biệt, sau thời gian chững lại, gỗ và sản phẩm gỗ cũng đã tăng trưởng trở lại với tốc độ ấn tượng trong 5 tháng đầu năm, tăng 22,9% trong khi các nước tăng trưởng trung bình 5%.

Riêng mặt hàng giày dép xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 5 đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam là nước đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách sang Mỹ, và là quốc gia tăng duy nhất trong các cường quốc xuất khẩu.

>>Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh về cả lượng lẫn chất

6 tháng, kim ngạch dệt may đạt 20 tỷ USD

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 20 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may cùng với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Dệt may TNG sắp trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 8%.
6 tháng, kim ngạch dệt may đạt 20 tỷ USD.

Tuy vậy, trước những quy định khắt khe về xanh hóa bảo vệ môi trường và Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức từ Mỹ, Đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, và gần đây là Luật chuỗi cung ứng mới của EU đã có hiệu lực đã và đang khiến doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng.

Vì vậy, ông Cẩm đề nghị các Thương vụ Việt Nam tại các nước có thể cung cấp thêm thông tin quy định này để các doanh nghiệp tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu.

Về lâu dài, ông Cẩm cho rằng, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1643 về Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được hơn một năm. Vì vậy, Bộ Công thương cần thực hiện quyết liệt chiến lược này với các địa phương để hình thành được những tổ hợp khu công nghiệp dệt may lớn để sản xuất được nguyên phụ liệu đáp ứng nguyên phụ liệu của ngành.

Cùng chung nỗi lo này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho biết, để chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, vừa rồi ngành dệt may và da giầy đã có văn bản tới Bộ Công thương đề nghị thành lập Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Điều này giải quyết được truy suất nguồn gốc nguyên phụ liệu đang được làm chặt chẽ khi phía EU và Mỹ áp dụng như Đạo Luật chống phá rừng, Luật thẩm định chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Đạo đức sinh thái, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU sắp có hiệu lực.

"Tất cả việc này liên quan đến truy suất nguyên phụ liệu không chỉ tại Việt Nam mà cả các nhà nhập khẩu. Nếu không kiểm soát được câu chuyện này thì xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức", bà Xuân nêu rõ.

Trước trực trạng này, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, với sự phát triển kim ngạch thương mại giữa hai nước, hiện nay, Mỹ đang có rất nhiều rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, điển hình là các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn trách các biện pháp thuế PVTM cũng như chuyền tải hàng hoá.

Tính đến tháng 6, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với 11 vụ việc.

"Các vụ kiện sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất nước tại Mỹ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Mỹ cần sự ủng hộ của cử chi khi bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến", ông Hưng nhìn nhận.

Phải cân bằng cán cân thương mại

Theo ông Hưng, khi Mỹ ngày càng tăng cường siết chặt các biện pháp nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững ký kết năm 2019 để từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, nhập khẩu các mặt hàng mà Mỹ có thể mạnh như mặt hàng nông nghiệp như hoa quả, thực phẩm, nguyên liệu bông phục vụ ngành dệt may xuất khẩu....

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Phải cân bằng cán cân thương mại.

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Mỹ.

"Bộ Công Thương gồm Cục Phòng Vệ thương mại và Cơ quan thương vụ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ (DOC), phối hợp và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin, tiếp đoàn thẩm tra tại doanh nghiệp và tham gia đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh DOC mở rộng thẩm quyền cũng như bổ sung các quy định về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp", ông Hưng nêu rõ.

Giá tiêu hôm nay 18/7: lo ngại tình hình xuất nhập khẩu tiêu đầu tháng 7/2024

Bất ngờ, hơn 200.400 tỷ đồng đổ về 'ví' ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kim-ngach-xuat-khau-vao-my-co-the-dat-tren-100-ty-usd-3-nam-lien-tiep-243737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ có thể đạt trên 100 tỷ USD 3 năm liên tiếp
POWERED BY ONECMS & INTECH