Tài chính Ngân hàng

Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

Trường Đặng 01/08/2023 - 07:29

Chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt của ECB nhiều khả năng sẽ chưa dừng lại, qua đó vẽ nên bức tranh u ám cho nền kinh tế Eurozone.

Chủ tịch ECB để ngỏ khả năng tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9

Ngay sau quyết định tăng lãi suất của FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 27/7 đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên 3,75% - mức cao nhất trong 23 năm qua. Dự kiến ngân hàng trung ương Anh đầu tháng 8 tới cũng sẽ có động thái tương tự để kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất châu lục.

Lãi suất cao "bóp nghẹt" nền kinh tế

Theo các chuyên gia, động thái mới của FED và ECB sẽ càng làm trầm trọng hơn tình hình yếu kém của nền kinh tế châu Âu. Chi phí vay tăng cao tiếp tục “dập tắt” nhu cầu mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp, cùng với đó là sự suy giảm niềm tin vào các triển vọng kinh tế.

Ủy ban Châu Âu thừa nhận tình hình kinh tế khó khăn. Cao ủy về Kinh tế EU Paolo Gentiloni thừa nhận “tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể sẽ tiếp tục giảm tại một hội nghị ở Áo vào ngày 28/7 vừa qua.

Theo các khảo sát của ECB, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong quý II năm nay. Nhu cầu tín dụng từ các hộ gia đình cũng sụt giảm. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác động đầy đủ của các đợt tăng lãi suất liên tiếp vẫn chưa được phản ánh hết.

Bà Ann-Katrin Petersen, Giám đốc tại Viện Đầu tư BlackRock, cho biết: “Chiến dịch leo thang của ECB đã gây ra thiệt hại kinh tế”.

Lãi suất của ECB đã cao nhất kể từ năm 2001

Dữ liệu GDP quý II/2023 chưa được công bố, nhưng các chuyên gia đã cho rằng bức tranh kinh tế EU là ảm đạm. Chỉ có một điểm sáng hiếm hoi là nền kinh tế Pháp đã tăng trưởng 0,5% trong quý I/2023, nhưng đó là có sự đóng góp rất lớn của một thương vụ đóng tàu du lịch quy mô.

So với dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone ở mức 1,1% được đưa ra vào tháng 6, các nhà kinh tế hiện cho rằng con số thực tế nhiều khả năng sẽ thấp hơn.

Chỉ báo tâm lý kinh tế mới nhất của khu vực đồng euro – công cụ đo lường niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng – đã cho thấy sự suy giảm mạnh hơn trong tháng 7, giảm gần 1 điểm xuống 94,5 điểm (với 100 là mức trung bình dài hạn). Các nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất, như Pháp (-2,3) và Đức (-2,1). Kỳ vọng việc làm ngày càng xấu đi, với mức -1,8 điểm ở cả EU và khu vực đồng euro.

Tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu, trong đó nâng dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm 2023 lên 0,9% - tăng 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn dự báo Đức rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất của khối và cường quốc công nghiệp, những tác động dây chuyền lớn hơn đối với châu Âu hoàn toàn có thể xảy ra.

Lãi suất châu Âu còn tăng tiếp?

Tương tự như FED, ECB thắt chặt tiền tệ với mong muốn các doanh nghiệp và hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn và bớt chi tiêu, với mục tiêu là đưa lạm phát về mức chấp nhận được.

Sản xuất và chi tiêu hộ gia đình của châu Âu có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới

Kết quả là đáng ghi nhận khi lạm phát của Eurozone từ mức 10,6% vào năm ngoái đã giảm còn 5,5% vào tháng 6 vừa qua. Tuy đáng khích lệ, nhưng con số vẫn còn xa mức mục tiêu 2% của ECB. Điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng ECB ngừng chính sách tiền tệ “diều hâu” trong thời gian tới.

Ngày 27/7, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã lấp lửng về khả năng tăng tiếp lãi suất vào tháng 9/2023. Bà tuyên bố: "Có khả năng lãi suất tăng, và cũng có khả năng tạm dừng”, nhưng cho rằng “còn quá sớm để nói về việc đó tại thời điểm này”.

Theo các khảo sát do Reuters tiến hành, hầu hết các nhà kinh tế vẫn dự báo ECB sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất mới, có thể là 25 điểm cơ bản vào tháng 9 tới. Nếu được thực hiện, lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999.

Dù sao, với các bước đi thận trọng của ECB, nền kinh tế Eurozone có thể tránh được một cuộc suy thoái diện rộng như những dự đoán vào năm ngoái, nhưng sẽ chưa thể khởi sắc. Ông Filippo Taddei, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Goldman Sachs, cho biết ngân hàng này vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của Eurozone, nhưng là “tăng trưởng thấp thay vì suy thoái”.

Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10-10,5%

Heineken chỉ yêu cầu nhân viên đến văn phòng 2 ngày/tuần: 'Bí kíp' để phát triển bền vững trong ngành bia

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/kinh-te-chau-au-chua-co-dau-hieu-khoi-sac-248385.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc
    POWERED BY ONECMS & INTECH