Sau một năm thắt chặt tiền tệ, lạm phát vẫn tiếp tục gây sức ép lên chính sách lãi suất toàn cầu.
Giá năng lượng và hàng hóa đã tăng vọt do sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và hậu quả của cuộc chiến tại Ukraine.
Theo một phân tích của tạp chí Financial Times (FT) dựa trên các thống kê chính thức, lạm phát lõi (không bao gồm những thay đổi về giá lương thực và năng lượng) tại phần lớn trong số 33 quốc gia được FT theo dõi vẫn gia tăng và duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% mà hầu hết các ngân hàng trung ương nhắm tới.
Đáng chú ý, bà Susannah Streeter, nhà phân tích cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown đã chia sẻ: “Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước và tình trạng giá tăng kéo dài tiếp tục gây đau đầu cho các nền kinh tế.”
Lạm phát dịch vụ, một thước đo khác cho thấy sức ép về giá, tại một số nền kinh tế lớn như Anh, Mỹ và các nước Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn gần mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Với sự ổn định của giá hàng hóa, lạm phát toàn phần tại một số nền kinh tế như Mỹ, Anh và Eurozone đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, lạm phát lõi vẫn ở mức cao kỷ lục 5% tại Eurozone.
Bà Silvia Ardagna, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Barclays, nhận định các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang lo lắng lạm phát lõi khó giảm.
Lạm phát dịch vụ tại Anh tháng 11 cũng tiếp tục tăng, duy trì ở mức cao nhất trong 20 năm, dù lạm phát toàn phần đã giảm từ 11,1% trong tháng 10 xuống 10,7% trong tháng 11. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết mức cao dai dẳng của lạm phát dịch vụ cho thấy ngân hàng này cần phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm, dù lạm phát toàn phần đã giảm 2 điểm phần trăm kể từ mùa hè.
Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay để kiềm chế lạm phát, nhưng gần đây đã bắt đầu giảm tốc chính sách này.
Fed đứng trước ngày ra quyết định lớn
Trung Quốc “hái quả ngọt” nhờ nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ